Cuộc chiến Nga – Ukraine: Những kịch bản đầy kịch tính

Sau gần ba năm giao tranh ác liệt, cuộc xung đột toàn diện Nga - Ukraine đang có dấu hiệu tăng tốc hướng đến thứ có thể là hành động cuối cùng, ít nhất là cho đến hiện tại.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn Chervona Kalyna bắn pháo 2S1 ở Pokrovsk, tỉnh Donetsk, vào ngày 15/11/2024. Ảnh: Anadolu/Getty Images

Vào mùa hè và mùa thu năm 2024, tình hình chiến trường đã chuyển biến xấu đi rõ rệt đối với Kiev, khi Nga bắt đầu chiếm giữ lãnh thổ với tốc độ nhanh hơn kể từ những tháng đầu tiên của cuộc xung đột toàn diện.

Chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ứng cử viên Donald Trump - người công khai chỉ trích viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine - đã khiến tương lai năng lực của Ukraine trong cuộc chiến với Nga trở nên bấp bênh. Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức còn liên tục tuyên bố có thể chấm dứt chiến tranh nhanh chóng sau khi ông nhậm chức vào tháng 1.

Lúc này, khi chỉ còn không đầy một tháng nữa là đến lễ nhậm chức của ông Trump, cả Kiev và Moskva đều đang cố gắng cải thiện vị thế đàm phán của mình trước mùa đông có khả năng sẽ rất khốc liệt, cả trên chiến trường và trong đấu trường địa chính trị.

Nếu không tính đến những diễn biến dựa trên suy nghĩ viển vông hơn là thực tế, chẳng hạn như quân đội của Ukraine tiến hành các cuộc phản công lớn, hoặc nền kinh tế Nga đột ngột sụp đổ, thì những điểm kết thúc thực tế cho cuộc chiến tại Ukraine có thể bắt đầu hình thành. Qua lăng kính này, có thể đưa ra bốn kịch bản chấm dứt chiến tranh với các "cung bậc" khác nhau.

KỊCH BẢN 1: Hòa bình với các đường biên giới đóng băng và một Ukraine an toàn

Kịch bản tích cực nhất để chấm dứt chiến tranh đối với Kiev là đạt được hòa bình trên cơ sở các biện pháp bảo vệ vững chắc chống lại một cuộc xung đột tương tự lặp lại, ngay cả khi không giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình. Trong Kế hoạch Chiến thắng trình lên các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng 10, Tổng thống Zelensky đã nói về lời mời tham gia NATO và việc triển khai tên lửa tầm xa ở Ukraine như một biện pháp răn đe. Gần như chắc chắn, các quốc gia châu Âu sẽ phải dẫn đầu, có thể là bằng cách tự mình đưa lực lượng không chiến đấu vào thực địa, và nói chung là đưa một Ukraine tự do vào cấu trúc an ninh của châu Âu.

Nhưng câu hỏi chính là làm thế nào Nga có thể đồng ý dừng lại trên chiến trường theo những điều khoản như vậy.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris, Pháp, ngày 7/12/2024. THX/TTXVN

KỊCH BẢN 2: Ngừng bắn với các đường biên giới đóng băng, không có bảo đảm an ninh cho Ukraine

Kịch bản 2 bao gồm việc chấm dứt các hành động thù địch đang diễn ra mà không có điều khoản nghiêm túc nào cung cấp biện pháp răn đe cứng rắn đối với nguy cơ Ukraine bị xâm phạm một lần nữa. Đây là kết quả của một phương Tây mất tập trung, chia rẽ, chỉ muốn chấm dứt giao tranh mà không mất quá nhiều thể diện, và một ban lãnh đạo Điện Kremlin sẵn sàng thiện chí. Các biến thể của kế hoạch hòa bình này có thể có điểm tương đồng với Thỏa thuận Minsk, với các quan sát viên quốc tế không vũ trang và các quy tắc về vũ khí hạng nặng, và cũng có thể bao gồm việc từ bỏ tham vọng NATO của Ukraine để giữ thể diện cho Điện Kremlin trong ngắn hạn.

Nhưng với lập trường cứng rắn và cả hai nhà lãnh đạo Zelensky - Putin đều lo ngại rằng việc ký bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ thể hiện sự yếu kém, Kịch bản 2 cũng không thể đi xa hơn một lệnh ngừng bắn mong manh. Cuối cùng, vẫn còn đó nguy cơ tái diễn xung đột; Kiev và châu Âu sẽ phải chạy đua để chuẩn bị đối phó.

KỊCH BẢN 3: Hòa bình trong tuyệt vọng, Ukraine phải thỏa hiệp

Ukraine nhận thấy mình ở trong một vị thế xấu đi nhanh chóng trên chiến trường, không có đủ sự hỗ trợ cứng rắn từ Mỹ hoặc châu Âu dù chỉ để đảm bảo đóng băng tiền tuyến. Trong nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn một thất bại hoàn toàn, Kiev đã “đệ đơn” cầu xin hòa bình. Nắm giữ mọi quyền lực, Moskva có thể đặt ra hầu như bất kỳ và tất cả các điều khoản mà họ thấy phù hợp. Những điều khoản này có thể bao gồm giới hạn về quy mô quân sự và vũ khí, trao cho tiếng Nga địa vị đồng chính thức hoặc các thay đổi hiến pháp làm suy yếu chủ quyền của Ukraine. Nếu Moskva quyết định tiến xa hơn, họ có thể yêu cầu một sự đầu hàng cứng rắn hơn dưới hình thức công nhận và trao trả phần lãnh thổ còn lại do Ukraine kiểm soát ở bốn khu vực mới được Nga sáp nhập, bao gồm Zaporizhzhia và Kherson. Những nhượng bộ lãnh thổ như vậy là hoàn toàn không thể tưởng tượng được đối với Ukraine nhưng có thể xảy ra nếu thực sự không có rào cản cứng rắn hoặc đòn bẩy nào khác để ngăn Nga kiểm soát nốt những vùng lãnh thổ mà họ đã tuyên bố sáp nhập.

KỊCH BẢN 4: Không có hòa bình, Nga không dừng lại

Cả Mỹ và châu Âu đều không đưa ra được câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi "Tại sao Nga phải dừng lại?". Viện trợ cho Ukraine không đủ để ngăn chặn Moskva trên chiến trường và cuộc khủng hoảng nhân lực mở ra những lỗ hổng lớn hơn trong hệ thống phòng thủ của Kiev. Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra các kế hoạch hòa bình khác nhau cho ông Putin, nhưng Moskva vẫn quyết định tiếp tục chiến dịch ở Ukraine mà không cảm thấy sự phản kháng mạnh mẽ nào. Châu Âu không thể tập hợp một phản ứng dũng cảm. Còn Kiev thì hoặc là từ chối theo đuổi hòa bình có thể dẫn đến Kịch bản 3, hoặc cố gắng làm như vậy nhưng bị Moskva từ chối.

Chú thích ảnh
Khu định cư Tsukurine ở tỉnh Donetsk bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích và bom lượn dẫn đường trong ảnh chụp ngày 30/9/2024. Ảnh: Getty Images

Tình hình khi đó có khả năng mở ra các mặt trận mới dọc theo biên giới phía bắc. Một làn sóng hàng triệu người tị nạn mới lại hướng đến châu Âu. Kiev trở nên yếu kém và bất ổn trên bờ vực thất bại quân sự. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến phụ thuộc vào các mục tiêu lãnh thổ tối đa của Nga tại Ukraine.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Zelensky

Là nhà lãnh đạo của một Ukraine độc ​​lập, Tổng thống Zelensky luôn bảo vệ quyền tiếp tục chiến đấu. Đối với Kiev, câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao Nga phải dừng lại?" luôn đơn giản: Moskva nên bị ngăn chặn bằng vũ lực và sau đó cho thấy rằng bất kỳ nỗ lực mới nào nhằm khuất phục Ukraine đều phải chấm dứt.

Với thất bại của cuộc phản công năm 2023 và triển vọng chiến trường xấu đi vào năm 2024, ông Zelensky - mặc dù đã dần từ bỏ lời lẽ hoa mỹ về việc quay trở lại biên giới năm 1991 thông qua các biện pháp quân sự - vẫn kiên trì với ý tưởng rằng Ukraine không thể chấp nhận hòa bình nếu không có các đảm bảo an ninh cứng rắn.

Đề xuất về lời mời gia nhập NATO nằm ở đầu Kế hoạch Chiến thắng của ông và Zelensky cho biết ông sẽ sẵn sàng chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc chiến theo các đường lối hiện tại để đổi lấy việc Ukraine gia nhập liên minh.

Vấn đề là Kiev chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào giống với một thỏa thuận như vậy từ các đối tác của mình. Một số người ủng hộ mạnh mẽ hơn đã ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine, nhưng những người khác, bao gồm cả các nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine là Washington và Berlin, đã từ chối ý tưởng về lời mời gia nhập.

Theo các nhà quan sát, đối với Ukraine, ngay cả khi không đi kèm với sự bảo vệ của Điều 5, việc đạt được một số hình thức hòa bình theo Kịch bản 1 vẫn là lựa chọn duy nhất có thể chấp nhận được.

Ngay sau khi các cuộc giao tranh kết thúc, Ukraine sẽ phải đối mặt với một loạt các thử thách áp lực nội bộ, bao gồm cả những gì có thể định hình thành nên một vòng bầu cử tổng thống và quốc hội đầy cạnh tranh.

Nhưng để tổ chức bầu cử, trước tiên Kiev sẽ phải chấm dứt thiết quân luật, trừ khi có các điều khoản đặc biệt được đưa ra, điều này có nghĩa là giải tán phần lớn các binh sĩ được huy động và cuối cùng là cho phép nam giới được tự do rời khỏi đất nước.

Khi đó, việc thiếu hụt nhân lực ngay lập tức sẽ dẫn đến nguy cơ cao hơn về một cuộc xung đột mới. Để tránh điều này, ông Zelensky không chỉ phải thuyết phục ông Trump rằng một Ukraine an toàn sau chiến tranh là quan trọng mà còn phải làm điều đó đủ mạnh mẽ để khiến tổng thống đắc cử Mỹ phải đấu tranh vì điều đó.

“Mối lo ngại lớn nhất của tôi là ông Trump sẽ muốn vội vã chấm dứt thù địch trước khi khuôn khổ thực thi hòa bình này được phác thảo”, Eric Ciaramella, thành viên cấp cao của chương trình Nga và Âu - Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với tờ Kyiv Independent.

“Khi đó, bạn sẽ có một nền hòa bình rất bất ổn, một thứ gì đó ở giữa chiến tranh và hòa bình, không giống như ở Donbass trước năm 2022, có lẽ nóng hơn và bất ổn hơn”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Kyiv Independent)
Quan chức Mỹ dự đoán thời điểm Ukraine buộc phải rút khỏi vùng Kursk của Nga
Quan chức Mỹ dự đoán thời điểm Ukraine buộc phải rút khỏi vùng Kursk của Nga

Giới chức Mỹ dự đoán Ukraine có thể buộc phải rút khỏi tỉnh Kursk của Nga trong vài tháng nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN