'Cú sốc' trong quan hệ kinh tế của Nga với phương Tây

Cuộc "chia tay" gây sốc về kinh tế đã chấm dứt cả một kỷ nguyên trong quan hệ của Nga với Đức và các nước châu Âu khác.

Chú thích ảnh
Xung đột với Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ kinh tế thương mại giữa Nga và phương Tây gần như bị cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: Reuters

Chính sách kéo dài nửa thế kỷ của Liên Xô và nước Nga mới về hội nhập kinh tế với phương Tây đã kết thúc vào năm 2022 với sự cắt đứt gần như hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế và thương mại. Việc cắt đứt quan hệ kinh tế với các nước phương Tây không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác: trong khi tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài và nhiều ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thì hầu hết các công ty phương Tây có hoạt động kinh doanh với Nga đã rời thị trường Nga.

Tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một kế hoạch loại bỏ nhanh chóng các nguồn năng lượng của Nga. Do đó, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã giảm 45% xuất khẩu khí đốt sang các nước ngoài khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) kể từ đầu năm. Đồng thời, tỷ lệ khí đốt của Nga ở châu Âu giảm từ 35% xuống 7,5%, theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc châu Âu muốn độc lập với khí đốt của Nga nhưng lại phụ thuộc ngày càng tăng vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Vụ bê bối về sửa chữa tuabin khí cho Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), việc Đức từ chối khởi động Nord Stream 2 vốn đã được hoàn thiện, tiếp đó là vụ nổ đường ống dưới biển của cả Nord Stream 1 và 2 gần đảo Bornholm của Đan Mạch vào đêm 26/9 đã trở thành những biểu tượng của sự rạn nứt trong quan hệ kinh tế với EU trong năm 2022.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, cuộc đối đầu về kinh tế giữa Moskva với các nước phương Tây ngày càng leo thang. Một trong những phản ứng đầu tiên của phương Tây là đóng băng tài sản của Nga. Vì vậy, từ cuối tháng 2, EU đã thông qua quyết định phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. “Các giao dịch liên quan đến quản lý dự trữ cũng như tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đều bị cấm, bao gồm các giao dịch với bất kỳ pháp nhân, tổ chức hoặc cơ quan nào hành động thay mặt hoặc đại diện cho Ngân hàng Trung ương Nga”, thông báo của EU nêu rõ.

Và vào đầu tháng 3, Mỹ đã ban hành chỉ thị cấm người Mỹ có bất kỳ giao dịch nào với một số ngân hàng Nga. Các quyết định tương tự cũng được đưa ra bởi Anh, Nhật Bản, Canada và Thụy Sĩ. Do các biện pháp trừng phạt này, Nga đã mất quyền tiếp cận gần một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của mình. “Chúng tôi có tổng lượng dự trữ khoảng 640 tỷ USD, khoảng 300 tỷ USD dự trữ hiện đang ở trong tình trạng chúng tôi không thể sử dụng”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vào tháng 3 cho biết. 

Không chỉ tài sản nhà nước, mà cả tài sản tư nhân của Nga cũng bị đóng băng. Các nước EU và G7 đã đóng băng tài sản của các doanh nhân Nga trị giá 30 tỷ euro. “Chúng tôi đã tìm cách đóng băng 14,6 tỷ euro từ quỹ của các nhà tài phiệt Nga ở châu Âu. Cùng với G7, con số này là 30 tỷ euro”, Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders cho biết vào cuối tháng 9. Chỉ riêng các nước châu Âu đã phong tỏa tài sản của người Nga, các công ty và ngân hàng Trung ương Nga với số tiền hơn 85 tỷ euro. Hầu hết số tiền này từ Pháp và Bỉ.

Sự rạn nứt trong quan hệ kinh tế với Nga được tăng cường bằng các biện pháp trừng phạt đối với một số ngân hàng Nga. Các ngân hàng Nga như VTB, Rossiya, Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Sovcombank, VEB đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính SWIFT. Sau đó, Sberbank, Ngân hàng tín dụng Moskva, Rosselkhozbank cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt. Các hệ thống thanh toán MasterCard và Visa cũng đã bị đình chỉ hoàn toàn hoạt động ở Nga, do đó thẻ ngân hàng được phát hành ở Nga không còn hiệu lực ở nước ngoài và ngược lại các thẻ do nước ngoài phát hành cũng không thể sử dụng ở Nga.

Ngoài ra, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, một số quốc gia đã tuyên bố đóng cửa không phận của họ đối với Nga. Moskva cũng đã đáp trả bằng cách đóng cửa không phận của mình đối với một số nước phương Tây. Do đó, kể từ ngày 28/2, các chuyến bay của các hãng hàng không từ 36 quốc gia đã bị hạn chế trong không phận Nga.

Trong bối cảnh các làn sóng trừng phạt nhằm vào Moskva, nhiều doanh nghiệp phương Tây bắt đầu ồ ạt rời khỏi thị trường Nga. Một số công ty đã bán doanh nghiệp của họ hoặc chuyển giao nó cho người Nga quản lý. Kể từ tháng 2/2022, hơn 1000 công ty nước ngoài đã rời hoặc lên kế hoạch rời khỏi thị trường Nga. Theo các chuyên gia, thiệt hại của các doanh nghiệp nước ngoài do rút khỏi Nga lên tới 240 tỷ USD, đặc biệt là các nước như Phần Lan (tổn thất 2% GDP), Thụy Điển (1,5%), Anh (1,3%). %) và Đan Mạch (1%).

Đến cuối năm 2022, gần 50 nước đã bị Nga liệt vào danh sách "các quốc gia không thân thiện". "Các nước không thân thiện" với Nga chiếm khoảng 60% GDP thế giới theo tỷ giá hối đoái, hay khoảng 45% GDP thế giới theo sức mua tương đương. Đồng thời, "các quốc gia không thân thiện" chiếm hơn 70% chi tiêu toàn cầu cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, thiệt hại của Nga do việc cắt đứt quan hệ kinh tế với "các quốc gia không thân thiện" không chỉ được đo lường bằng thiệt hại trước mắt vào năm 2022, mà còn bằng thiệt hại lâu dài liên quan đến sự cô lập về công nghệ đối với Moskva.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Nezavisimaya Gazeta)
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga kỳ vọng về cơ hội phát triển mới trong năm 2023
Lãnh đạo Trung Quốc, Nga kỳ vọng về cơ hội phát triển mới trong năm 2023

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31/12 đã gửi lời chúc mừng năm mới tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước trong năm 2022 đã thể hiện sự năng động và ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN