Công thức thành công cho an ninh lương thực ở châu Á

Châu Á đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực khi hơn 700 triệu người vẫn đói. Tuy nhiên, khu vực này đang tìm giải pháp qua hợp tác và công nghệ nông nghiệp, hướng tới xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Công nhân bốc vác gạo trong nhà kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines ở thành phố Valenzuela, ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tiến sĩ, Chandra Kusuma, Trưởng nhóm G20 và OECD tại Bộ Tài chính Indonesia và Tiến sĩ Parjiono, Trợ lý của Bộ trưởng Tài chính Indonesia về Kinh tế vĩ mô và Tài chính quốc tế, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực, nhưng thông qua hợp tác khu vực và đổi mới nông nghiệp, châu Á đang từng bước hướng tới mục tiêu đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững cho hơn 700 triệu người đang bị đói.

An ninh lương thực vẫn là thách thức lớn đối với châu Á - khu vực có tỷ lệ dân số đói nghèo cao nhất thế giới. Theo thống kê, trong năm 2023, khoảng 713-757 triệu người vẫn phải chịu cảnh đói, bất chấp sản lượng lương thực toàn cầu đủ đáp ứng nhu cầu. Tình trạng này không chỉ cản trở việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững về xóa đói giảm nghèo, mà còn làm gián đoạn hệ thống y tế, giáo dục, giảm năng suất và gia tăng bất bình đẳng tại nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.

Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia châu Á đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác nông nghiệp toàn cầu. Singapore, dù diện tích nhỏ, đang trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp đô thị với các công nghệ canh tác tiên tiến.

Trung Quốc, với vai trò kép là quốc gia thu nhập trung bình và tác nhân toàn cầu lớn, đang cân bằng giữa tự chủ lương thực và thương mại quốc tế. Mặc dù đầu tư mạnh vào hiện đại hóa nông nghiệp trong nước, nước này vẫn phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như đậu nành và ngô.

Indonesia là một điển hình về cách tiếp cận toàn diện trong vấn đề an ninh lương thực. Tổng thống Prabowo Subianto đặt mục tiêu đạt tự chủ lương thực trong 4 năm tới thông qua việc thành lập Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) và đầu tư mạnh vào ngành nông nghiệp. Cụ thể, Indonesia đã phân bổ 139,4 nghìn tỷ rupiah (8,6 tỷ USD) cho an ninh lương thực trong ngân sách 2025, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, dự trữ chiến lược và hiện đại hóa công nghệ nông nghiệp.

Hợp tác khu vực đóng vai trò then chốt trong chiến lược an ninh lương thực châu Á. Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) là minh chứng cho việc các quốc gia có thể kết hợp khả năng tự chủ với phục hồi dựa trên thương mại. Thông qua việc chia sẻ nguồn lực và điều phối chính sách, APTERR đảm bảo nguồn cung lương thực khẩn cấp trong khi vẫn duy trì lợi ích từ hội nhập thương mại.

Các quốc gia trong khu vực cũng đang tích cực áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất nông nghiệp. Ấn Độ đi đầu trong nông nghiệp kỹ thuật số và canh tác chính xác, Việt Nam tập trung cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, còn Thái Lan thúc đẩy canh tác bền vững.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và đô thị hóa vẫn là những thách thức lớn đe dọa sản xuất nông nghiệp châu Á. Để ứng phó, các nước đang phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu và tăng cường ứng dụng công nghệ. Việc Nam Phi đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm 2025 với trọng tâm về trí tuệ nhân tạo và quản trị dữ liệu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc ứng dụng AI trong canh tác chuyên sâu, dự báo năng suất và giám sát cây trồng.

An ninh lương thực không chỉ là mục tiêu chính sách mà còn là quyền cơ bản của con người và nền tảng cho phát triển bền vững. Thông qua các nền tảng như G20, ASEAN và tăng cường hợp tác Nam-Nam, châu Á đang từng bước xây dựng một hệ thống lương thực toàn diện và bền vững, hướng tới mục tiêu đảm bảo đủ lương thực cho mọi người dân trong khu vực.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo eastasiaforum.org)
WFP kêu gọi quốc tế chung tay hỗ trợ lương thực cho người dân Gaza
WFP kêu gọi quốc tế chung tay hỗ trợ lương thực cho người dân Gaza

Ngày 6/2, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả các nhà tài trợ chung tay cung cấp lương thực cho hàng triệu người dân tại Dải Gaza cũng như hỗ trợ tái thiết khu vực bị xung đột tàn phá này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN