Cuộc gặp dự kiến vào ngày 9/8 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cố đô Saint - Peterburg của Nga được giới phân tích đánh giá mang tính chất lịch sử bởi nó có khả năng quyết định không chỉ “số phận” mối quan hệ giữa hai nước mà còn tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực cũng như tương lai quan hệ “tay ba” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ nhiều duyên nợ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua giai đoạn căng thẳng nhất trong suốt hai thập kỷ qua, bắt nguồn từ vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ năm ngoái. Tuy nhiên, căng thẳng đã kịp thời được tháo ngòi khi ông Erdogan "xuống thang" xin lỗi Nga hồi cuối tháng 6 vừa qua, mở ra cơ hội nối lại quan hệ song phương. Có thể khẳng định rằng việc quay trở lại chu kỳ hợp tác và phát triển đáp ứng lợi ích quốc gia của cả hai bên.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ankara ngày 15/11/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẩn trương xúc tiến cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Ankara đang muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ Moskva, trong bối cảnh thời gian qua Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chịu sự chỉ trích của phương Tây do các hoạt động truy quét và trấn áp hậu đảo chính. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) phần nào bị sứt mẻ sau vụ đảo chính bất thành vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây "hậu thuẫn" các phần tử đảo chính, trong khi Mỹ và EU bày tỏ lo ngại trước ý định của Tổng thống Erdogan khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trừng phạt những kẻ tham gia cuộc đảo chính. Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng khi Mỹ chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành vừa qua, dù Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo điều đó sẽ gây thiệt hại đến mức không thể khắc phục cho mối quan hệ song phương Mỹ - Thổ.
Trong khi đó, EU cũng quyết định "đóng băng" việc áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên, bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ ngừng thực hiện thỏa thuận hỗ trợ EU ngăn chặn dòng người di cư. Nhiều nước EU còn lên tiếng đòi chấm dứt đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 8/8 trước thềm cuộc gặp Tổng thống Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thẳng thừng tuyên bố EU đã không thực hiện những lời hứa với Thổ Nhĩ Kỳ và "đánh lừa" Thổ Nhĩ Kỳ suốt 53 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ và EU đã áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi đánh giá về những sự kiện xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh đó, không có gì lạ khi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy các biện pháp nhằm "xích lại gần" Nga, dù động thái trên dường như khiến phương Tây không hài lòng.
Chuyến công du tới Nga và gặp Tổng thống Putin sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua, khi tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang rất phức tạp. Điều này cho thấy phía Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm và mong muốn khôi phục hợp tác với Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp phía Nga sẽ mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Dù thừa nhận hai bên còn nhiều việc phải làm để khôi phục quan hệ như trước, song nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chuyến công du tới Nga của ông lần này là "chuyến thăm lịch sử", và cuộc gặp tại S.Peterburg sẽ là một "sự khởi đầu mới" cho quan hệ hai nước.