Kênh Al Jazeera cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV sáng 5/3 tại Bắc Kinh.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh hướng đến khôi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sau khi ngừng chính sách “zero-COVID” từ cuối năm 2022. Trung Quốc quyết định chuyển sang hướng sống chung với dịch bệnh từ ngày 7/12/2022 sau 3 năm áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và xét nghiệm quy mô lớn liên tục.
Tính cả năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là khoảng 5,5%. Điều này bắt nguồn từ hạn chế nghiêm ngặt do dịch COVID-19, thị trường bất động sản suy giảm, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp diễn.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc dường như bật tăng mạnh mẽ kể từ khi quyết định chuyển hướng sống chung với dịch COVID-19 nhưng các quan chức nước này vẫn cảnh báo về rủi ro ở phía trước. Hoạt động sản xuất trong tháng 2 của Trung Quốc đã vượt kỳ vọng, đạt tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập niên. Theo Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 2 đã tăng lên mức 52,6 điểm so với mức 50.1 điểm của tháng 1, là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Trong sự kiện hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cập đến sự gia tăng “bất định trong môi trường bên ngoài” trong đó có lạm phát cao và “những nỗ lực từ bên ngoài để kiềm chế, ngăn cản Trung Quốc”. Nền kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều thách thức dài hạn trong nước, bao gồm bong bóng nhà đất khổng lồ và dân số trong độ tuổi lao động giảm do tỷ lệ sinh thấp.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng thời kỳ phát triển cao của Trung Quốc hiện nay chỉ còn là quá khứ. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 3/2022, Viện nghiên cứu Lowy (Australia) dự đoán rằng từ nay đến 2050, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 2-3% mỗi năm.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng hàm ý rằng Bắc Kinh sẽ không dựa nhiều vào đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Ông đồng thời nhấn mạnh đến việc cần khôi phục tiêu thụ tư nhân và ổn định chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao.
Ông Lý Khắc Cường tuyên bố tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 dự kiến vào khoảng 3%. Ngoài ra, Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát trong năm 2023 vào khoảng 3%. Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh đến yếu tố tạo thêm việc làm với mục tiêu 12 triệu việc làm đô thị mới trong năm 2023.
Nhà kinh tế học Alicia García-Herrero tại ngân hàng Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Theo tôi, họ đang quản lý các kỳ vọng. Nếu nhìn vào chi tiết, họ đang công bố giảm phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt bởi họ đã thực hiện rất nhiều phí đầu kỳ và không muốn tạo thâm hụt ngân sách”.
Giáo sư Victor Shih tại Đại học California (Mỹ) đánh giá với tờ Guardian: “Họ không kêu gọi kích thích khổng lồ và điều này một phần bắt nguồn từ việc ghi nhận rằng xuất khẩu - vốn là phương tiện phát triển chính của kinh tế Trung Quốc trong 3 năm qua - nhiều khả năng sẽ không mạnh trong năm tới”.
Cũng theo ông, các mục tiêu “không quá tham vọng” sẽ tạo điều kiện để các lãnh đạo mới có tiềm năng đạt được “chiến thắng dễ dàng”. Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn ra từ ngày 5-13/3 cũng bao gồm nội dung bầu chọn và quyết định về một số chức danh lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Nhiều nhà kinh tế học tin rằng Trung Quốc có thể đạt và thậm chí vượt mức tăng trưởng 5% trong năm 2023.