Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), hàng loạt các chỉ số kinh tế trong tháng 9 đã chỉ ra tình trạng bấp bênh của nền kinh tế Hàn Quốc. Dự trữ ngoại hối đã giảm kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá trị đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm so với đồng USD. Thương mại Hàn Quốc cũng ghi nhận mức thâm hụt kéo dài suốt 6 tháng, trong khi lãi suất đang tăng lên.
Trong bối cảnh đó, ông Kang Sung-jin, Giáo sư kinh tế tại Đại học Hàn Quốc, nhận định cuộc khủng hoảng tài chính giống như những cuộc khủng hoảng tài chính trước đây khó có khả năng xảy ra ở nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á. Tuy nhiên, kinh tế Hàn Quốc sẽ trải qua giai đoạn lạm phát đình trệ khi tăng trưởng dự báo sẽ ở mức trên 2% và lạm phát dự kiến ở mức 5% trong năm nay.
Ông Sung-jin cho rằng lãi suất trong nước và khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc đều ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế của “xứ sở kim chi”. Ông giải thích: “Để ngăn chặn tình trạng đảo ngược lãi suất với Mỹ, ngân hàng trung ương phải thúc đẩy nhanh tăng lãi suất. Trung Quốc vượt qua đại dịch COVID-19 vào thời điểm nào cũng là vấn đề, vì thương mại Hàn Quốc phụ thuộc vào quốc gia này tới 30%”.
Giáo sư Choi Pae-kun, nhà kinh tế học tại Đại học Konkuk, cho rằng trong khi động thái tăng lãi suất ngang mức với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là rất quan trọng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thị trường ngoại hối, nợ hộ gia đình cao và những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản có thể là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng trung ương.
Các chuyên gia thị trường trái phiếu dự đoán Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 12/10 lên 3%, điều này sẽ giúp thu hẹp chênh lệch về lãi suất giữa đồng won và đồng USD. Song, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng động thái này đủ để giảm bớt áp lực lên tiền tệ.
Ngân hàng Pháp Societe Generale cho rằng mức tăng 0,5% không chắc sẽ khiến đồng won của Hàn Quốc tăng giá. Vào tuần trước, ngân hàng này cũng nói rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô không hỗ trợ mức tăng 0,5%, khi lạm phát đang giảm và dữ liệu sản xuất công nghiệp chứng kiến xu hướng giảm trong lĩnh vực xuất khẩu.
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục nhấn mạnh cuộc khủng hoảng kinh tế có khả năng sẽ không xảy ra ở đất nước này. Ông Choo Kyung-ho – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc – bình luận: “Rất khó xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nữa”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Choo, dù đang phải đối mặt với những dấu hiệu căng thẳng, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn được bảo vệ nhờ nguồn dự trữ ngoại hối và tài sản quốc tế lớn, với tỷ lệ nợ ngắn hạn thấp. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc trong tháng 8 cao hơn 21 lần so với năm 1997, thời điểm đất nước này chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và tăng gấp đôi so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc, đất nước này có khối tài sản quốc tế lên tới 2,12 nghìn tỷ USD trong quý 2 năm nay, cao hơn nhiều so với mức 117 tỷ USD năm 1997 và 532 tỷ USD năm 2008.
Hàn Quốc được xếp hạng là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn thứ 8 trên thế giới tính đến cuối tháng 8, xếp trên Hong Kong (Trung Quốc) một bậc.
Ngày 28/9, đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 3/2009, mặc dù đã phục hồi nhẹ sau đó. Chính phủ cũng chỉ ra rằng dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm 4,5% trong tháng 9, so với 11,4% năm 2008. Theo giới chuyên gia, đây là tốc độ giảm nhanh nhất trong vòng 14 năm. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giải thích nguyên nhân chính khiến dự trữ ngoại hối giảm mạnh sự là do nhà chức trách nước này đang nỗ lực “bơm” ngoại tệ để chặn đà trượt giá quá mức của đồng won trước đồng USD.
Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khác để điều tiết thị trường và thông báo sẽ có các hành động cần thiết nếu có dấu hiệu bất ổn.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc đang cận kề khủng hoảng, giới chuyên gia dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tốt hơn Nhật Bản trong năm nay. Quốc gia này dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dưới 2%. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) đã hạ dự báo GDP của Nhật Bản từ 1,8% trong tháng 7 xuống 1,6% vào tháng 10. Trong khi đó, dự báo GDP của AMRO cho Hàn Quốc là 2,4% vào tháng 10, chỉ thấp hơn 0,1% so với dự báo hồi tháng 7.