Trên đây là nhận định của ông Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bác sỹ Guy Thwaites, một trong những điều làm nên thành công của Việt Nam là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, từ phản ứng nhanh chóng ban đầu của Chính phủ trước diễn biến dịch bệnh trên thế giới đến việc triển khai các biện pháp ngăn chặn và kết hợp các biện pháp truy dấu, theo dõi nguồn gốc lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Cuối cùng là Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với giới truyền thông trong nước để phát đi những thông tin cần thiết cho mọi tầng lớp người dân về công tác phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.
Bác sỹ Guy Thwaites cho biết, rất nhanh chóng, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19 khi mới ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Trên thực tế, tại thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định chưa có "bằng chứng rõ ràng" nào về việc lây truyền virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ người sang người. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã quyết định không mạo hiểm trước những rủi ro có thể có và đã đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cấp độ cao bằng việc hạn chế đi lại, mở rộng phạm vi áp dụng cấm nhập cảnh đối với công dân đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Iran và Italy. Cuối tháng 3, Việt Nam đã đình chỉ việc nhập cảnh tất cả công dân nước ngoài vào Việt Nam và chủ động trong việc thực hiện cách ly xã hội, truy vết, khoanh vùng phạm vi lây nhiễm, ngăn chặn một cách hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh công tác chuyên môn trong phòng chống dịch, Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu đã làm rất tốt công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch bệnh và quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Các trang web, đường dây nóng và các ứng dụng điện thoại được thiết lập để cập nhật cho công chúng về tình hình dịch bệnh. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch. Thậm chí, Việt Nam còn thành lập các trung tâm y tế trực tuyến tư vấn dịch bệnh cho người dân. Có những ngày cao điểm, chỉ riêng đường dây nóng của trung tâm y tế trực tuyến quốc gia nhận được hơn 20.000 cuộc gọi, không kể hàng trăm cuộc gọi khác đến các trung tâm tư vấn trực tuyến cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Bác sỹ Guy Thwaites kết luận rằng, những kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như dịch SARS (từ 2002-2003) và dịch cúm gia cầm sau đó, đã giúp Chính phủ và người dân Việt Nam có được sự chuẩn bị tốt hơn trong đối phó với đại dịch COVID-19.
Ông khẳng định: "So với người dân nhiều nước khác trên thế giới, người Việt Nam có ý thức sâu sắc hơn về tác hại to lớn của các bệnh truyền nhiễm. Người Việt Nam luôn hiểu được rằng vấn đề dịch bệnh cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ đó mới có thể đề ra các biện pháp giải quyết triệt để. Và đây cũng chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp Việt Nam thành công trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19".