Tiến sỹ Park Jae Kyu. Ảnh: Hữu Tuyên/Vietnam+ |
Tiến sỹ Park Jae Kyu tin tưởng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có kết quả tốt. Theo Tiến sỹ, Mỹ và Triều Tiên đã thảo luận và dàn xếp được những bất đồng thông qua các cuộc tiếp xúc nghiệp vụ giữa các quan chức hai bên tại Panmunjom. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã gặp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-Chol. Đặc biệt, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gửi thư tay cho nhau thể hiện thiện chí.
Tiến sỹ Park Jae Kyu nhận định Triều Tiên đã cân nhắc cơ hội để có thể phát triển thông qua nhận được viện trợ kinh tế, nhận được sự đảm bảo về an ninh và thể chế thông qua phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, do đó cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này là cơ hội hết sức quan trọng đối với Triều Tiên. Về phía Mỹ, Washington cũng mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh lần này trở thành cơ hội tốt để có thể đảm bảo hòa bình lâu dài thông qua phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Do đó, có cơ sở để tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này sẽ không bị gián đoạn như các cuộc gặp trong quá khứ và sẽ trở thành cơ hội rất quan trọng, hết sức có ý nghĩa.
Trong khi đó, Giáo sư Park Hun-Joo nhấn mạnh đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa một vị Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây là thời điểm mang tính lịch sử vì nó có thể chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, và do đó, rõ ràng đây là một sự kiện mang tính lịch sử mà cộng đồng quốc tế đều mong đợi.
Giáo sư Park Hun-Joo tin tưởng hai bên có thể ra tuyên bố chung tại cuộc gặp thượng đỉnh này. Rất có thể tuyên bố này sẽ bao hàm khuôn khổ và cách thức thực hiện “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng, không thể đảo ngược” cũng như việc Mỹ sẽ đáp ứng thế nào với yêu cầu được bảo đảm an ninh của Triều Tiên. Đây là những nội dung có khả năng cao sẽ được đưa vào một tuyên bố chung hay thoả thuận giữa hai bên, tuy nhiên các chi tiết của thoả thuận cũng như việc triển khai những nội dung này như thế nào vẫn còn là vấn đề chưa rõ ràng.
Chuyên gia này cũng nhận định hai bên sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi thực hiện một tuyên bố chung. Ví dụ như sự mất lòng tin lẫn nhau, hay khi Triều Tiên mở cửa và nỗ lực phát triển kinh tế thì an ninh thể chế ở nước này sẽ bị đe dọa, theo đó việc thực hiện tuyên bố chung có thể vấp phải sự phản ứng trong nước. Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng sẽ gặp phải những sự phản đối việc thực hiện thỏa thuận với phía Triều Tiên, chẳng hạn sự phản đối trong Quốc hội. Ngay cả khi hai bên đạt được nhất trí về những việc sẽ làm và cách thức tiến hành, việc thực hiện tuyên bố vẫn sẽ là một thử thách. Vấn đề là lãnh đạo hai nước cần nhận được sự ủng hộ trong bộ máy chính quyền cũng như dân chúng.
Đồng ý với quan điểm trên, Tiến sỹ Park Jae Kyu nhận định cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên dù có thể thành công, song quá trình thực hiện sau này sẽ gặp những khó khăn nhất định vì giải quyết vấn đề phi hạt nhân là hết sức khó khăn và cần có quá trình. Cả Mỹ và Triều Tiên đều khó có thể từ bỏ lập trường của mình một cách dễ dàng. Hơn nữa, vấn đề đảm bảo an ninh thể chế và bồi thường kinh tế cho Triều Tiên cũng hết sức nan giải vì có liên quan chặt chẽ với vấn đề phi hạt nhân hóa, vấn đề dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Chuyên gia này nhấn mạnh sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên Mỹ và Triều Tiên là hết sức quan trọng trong quá trình đàm phán.
Về vai trò của Hàn Quốc và Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nói chung và trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều nói riêng, Tiến sỹ Park Jae Kyu cho rằng đến thời điểm hiện nay, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm cấp làm việc với Triều Tiên và đã tổ chức 2 cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều, cũng như hội đàm thượng đỉnh với Mỹ, nên hy vọng đây sẽ là những nền tảng và cơ hội để Hàn Quốc có thể đứng ra điều đình và thỏa hiệp giữa Mỹ và Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò trọng tài trong quá trình thảo luận cụ thể các giai đoạn 2 và giai đoạn 3 sau này. Trong quá trình thực hiện các điều khoản thỏa thuận, cả Mỹ và Triều Tiên đều sẽ cần tới sự hỗ trợ hợp tác tích cực từ các nước xung quanh như Hàn Quốc để hiện thực mục tiêu xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Giáo sư Park Hun-Joo. Ảnh: Đào Lâm/Vietnam+ |
Cũng theo Tiến sỹ Park Jae Kyu, việc xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sau này rất cần vai trò của Trung Quốc. Đặc biệt, sau khi phi hạt nhân hóa, việc hợp tác với Trung Quốc đóng vai trò rất lớn để có được sự thay đổi mới như phát triển kinh tế của Triều Tiên. Do đó, trong trường hợp để ký kết Hiệp định hòa bình thì Trung Quốc nhất định phải là một bên tham gia.
Cả hai chuyên gia đều chung quan điểm rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là một cơ hội lịch sử để mang lại sự thay đổi tốt đẹp hơn, mở ra một giai đoạn hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, lãnh đạo hai nước cần có quyết tâm, hành động thực tế và thái độ tích cực.