Theo ông Alexander Knyazev, người đứng đầu chi nhánh khu vực của Viện CIS có trụ sở tại Moskva, cho biết hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi, mở ra cơ hội cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vươn lên với tư cách là một chủ thể toàn cầu.
Ngày 4/7, Cộng hòa Hồi giáo Iran đã trở thành thành viên chính thức của SCO. Dự kiến, Belarus sẽ đạt được quy chế này vào năm 2024. Trước khi Iran gia nhập, tổ chức này bao gồm 8 thành viên thường trực là Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan; và 9 đối tác đối thoại – Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka, Turkiye, Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia.
Theo ông Bakhtiyor Khakimov - đại diện đặc biệt của Tổng thống Liên bang Nga về các vấn đề SCO, số lượng đơn xin gia nhập SCO ngày càng tăng.
"Các điều kiện khách quan để biến SCO thành một tổ chức hiệu quả, có sức ảnh hưởng vượt xa lãnh thổ của các quốc gia thành viên, đã xuất hiện. Trước hết, mọi thứ phụ thuộc vào ý chí chính trị của giới lãnh đạo các quốc gia này. Số lượng các quốc gia tham gia và rộng hơn là các quốc gia muốn tham gia, hoặc có tư cách là quốc gia quan sát viên, đối tác đối thoại đối với SCO, đã đưa tổ chức đến sát hơn mục tiêu trở thành một chủ thể toàn cầu”, đại diện Knyazev nhận định với đài Sputnik.
Xét trên phương diện này, sự gia nhập của Iran đã mang lại một làn gió mới cho tổ chức với vai trò của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này trong khu vực Á-Âu rộng lớn từ Trung Đông đến bờ biển Thái Bình Dương, cũng như vị thế của nước này ở châu Phi và ảnh hưởng ở một số quốc gia Mỹ Latinh.
Đại diện Knyazev nhấn mạnh sự tham gia SCO của Iran có thể có tác động đáng kể đến các quá trình tiếp theo trong tổ chức này. Quyết định này có thể làm phong phú thêm các hoạt động của SCO về mặt đảm bảo an ninh trong một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương đến Bắc Cực và từ Đông Nam Âu đến Đông Nam Á. Chuyên gia đặc biệt đề cập đến các cuộc tập trận hải quân chung của Iran, Nga và Trung Quốc ở Vịnh Oman và các vùng biển xung quanh, bắt đầu vào tháng 12/2019 và đã trở thành một sự kiện thường xuyên.
"Iran là một ví dụ về cách một quốc gia đang tiến dần tới việc khẳng định vị thế của một cường quốc. Ngày nay, một số lượng lớn các tiến trình quốc tế không thể diễn ra nếu không có sự tham gia của Iran, vì ảnh hưởng trực tiếp của nước này đối với các quá trình. Iran đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các tiến trình diễn ra ở Trung Đông, Kavkaz, Vịnh Ba Tư và lưu vực Ấn Độ Dương, hoặc một phần ở Địa Trung Hải. Mặc dù Iran chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng qua nhiều năm, quốc gia này đã cho thấy rằng họ có thể tự cung tự cấp, mang lại một vị trí độc lập tuyệt đối trong nền chính trị thế giới”, học giả chỉ ra.
Theo ông Knyazev, SCO đang ở giai đoạn phát triển rất quan trọng nhưng vẫn mang tính chuyển tiếp. Ông tin rằng các quốc gia khác nhau vẫn có những kỳ vọng khác nhau đối với SCO.
"Tôi nghĩ sự chuyển đổi toàn cầu đang diễn ra trong toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế trên thế giới sẽ trở thành chất xúc tác cho tính tự quyết của SCO. Không thể loại trừ khả năng đến một lúc nào đó, SCO sẽ được coi không phải là một tổ chức khu vực, mà là một nhân tố toàn cầu có vai trò quan trọng”, đại diện Knyazev kết luận.