Chương trình vũ trụ Nga thực sự hiệu quả?

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga đã chứng kiến quá nhiều đổ vỡ liên quan đến các vụ tai nạn phóng thử tên lửa. Điều trớ trêu là sau các thất bại này, lĩnh vực nghiên cứu tên lửa và vũ trụ vẫn không thoát khỏi đổ vỡ và không nâng cao khả năng cạnh tranh của mình được. Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Nga (Roscosmos) đã phải liên tục đưa ra cảnh báo về sự mất kiểm soát các hệ thống điều khiển và tụt hậu về công nghệ.

Tên lửa đẩy Proton của Nga mang theo vệ tinh địa tĩnh học năng lượng cao Sirius FM-6 của Mỹ đã được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 26/10/2013.


Cách đây ít ngày, Tổng công tố Nga yêu cầu Roscosmos hủy kết quả các cuộc đấu thầu soạn thảo chiến lược vũ trụ mới của Nga đến năm 2030. Nói cách khác, Roscosmos đã yêu cầu những nhà thầu ngoài ngành soạn thảo các văn bản mang tính nền tảng cho việc phát triển hoạt động nghiên cứu vũ trụ ở Nga và điều chỉnh các mục tiêu trong hoạt động vũ trụ của nước này. Chính vì vậy, ngay sau khi Roscosmos mở thầu trên Internet đã xuất hiện các câu chuyện châm biếm về việc các nhà lãnh đạo Roscosmos phải mượn người ngoại đạo làm hộ “bài”.


Trước tình hình này, Tổng công tố Nga đã phải nhắc nhở người đứng đầu Roscosmos Oleg Ostapenko rằng việc soạn thảo chiến lược nghiên cứu vũ trụ mới và điều chỉnh hoạt động của ngành kỹ thuật vũ trụ thuộc chức năng quyền hạn đặc thù riêng của Roscosmos và việc giao nhiệm vụ này cho các chủ thể kinh tế khác là trái với pháp luật. Theo Tổng công tố Nga, việc mời thầu soạn thảo chiến lược mới có nhiều sai phạm và có thể dẫn đến việc chi tiêu ngân sách không đúng mục đích.


Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Roscosmos mời những người ngoại đạo tham gia soạn thảo chiến lược vũ trụ mới không hẳn là điều tồi tệ. Hiện Roscosmos có quá nhiều vấn đề và người trong cuộc chưa chắc đã nhìn ra. Trong bối cảnh đó, hoặc Roscosmos phải thay lãnh đạo, hoặc nêu rõ vấn đề trong gói thầu để các chuyên gia ngoài ngành phân tích giúp. Một luồng ý kiến khác nhấn mạnh văn bản dài 70 trang gồm những nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho chiến lược mới chỉ là mớ giấy vụn chứ không thể làm thay đổi tình hình. Dù có đấu thầu hay không, thì ngành công nghiệp tên lửa - vũ trụ Nga vẫn sẽ chỉ đi vào ngõ cụt.


Còn nhớ mùa hè năm ngoái, Cơ quan kiểm toán Nga tuyên bố việc quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu vũ trụ rất kém hiệu quả. Với cách điều hành như hiện nay, trách nhiệm trong việc hoạch định và thực thi chính sách nhà nước trong lĩnh vực này thuộc về tập thể chứ không đặt cụ thể lên một cá nhân nào. Cơ quan kiểm toán Nga cũng làm rõ chi phí thiết lập và duy trì khả năng làm việc của các trạm vệ tinh của Nga hiện cao hơn 4 lần so với nước ngoài. Điều tồi tệ hơn là mặc dù tốn kém như vậy, song đến nay Nga vẫn chưa có một hệ thống nghiên cứu khí tượng thủy văn của riêng mình mà vẫn phải đi mua số liệu của nước ngoài. Các vệ tinh của Nga phải trải qua quy trình nghiên cứu và chế tạo mất cả chục năm song sau đó không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ngay cả việc chế tạo tên lửa đẩy cũng không khớp được thời gian với việc sản xuất vệ tinh. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều khi Nga phải đặt mua vệ tinh của nước ngoài còn sản phẩm nội địa phải “xếp xó”.


Tuy nhiên, tất cả những thông tin trên vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. “Thảm hại” thực sự đối với nền công nghiệp vũ trụ Nga còn là sự yếu kém về công nghệ điều khiển vệ tinh, có thể dẫn đến mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và bội chi ngân sách. Hiện nay, chi ngân sách của Nga cho Roscosmos chỉ kém Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) 3 lần, trong khi GDP của Nga thấp hơn Mỹ tới 7 lần. Có nghĩa là tỷ lệ chi ngân sách cho vũ trụ của Nga lớn hơn Mỹ từ 2 - 3 lần song hiệu quả thu được không tương xứng với đầu tư. Đây là hồi chuông cảnh báo không chỉ đối với lĩnh vực ứng dụng thực tiễn và thương mại, mà ngay cả trong nghiên cứu khoa học cơ bản.


Cao Cường(Theo báo “Độc lập”, Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN