Dư luận quốc tế và trong nước đều quan ngại về bất ổn hiện nay ở Thái Lan. Đã xuất hiện đánh giá về sự ra đi của Thủ tướng Yingluck Shinawatra kèm theo một cuộc đảo chính quân sự - như những gì đã xảy đến với ông Thaksin hồi năm 2006. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khả năng này là ít, tình hình vẫn nằm trong vòng kiểm soát của chính phủ.
Thủ tướng Yingluck và các tướng lĩnh quân đội. |
Bất ổn trong xã hội Thái Lan được biểu hiện ra bên ngoài là mâu thuẫn giữa hai lực lượng tạm gọi là “áo đỏ” và “áo vàng”. Tuy nhiên, ẩn sau đó còn có hai yếu tố mang tính quyết định nhất đối với cục diện chính trị tại đất nước chùa Vàng - đó là vai trò của Hoàng gia và quân đội.
Tuy chỉ nắm quyền lực mang tính biểu tượng trong thể chế quân chủ lập hiến, nhưng tiếng nói của Hoàng tộc và Nhà Vua Thái Lan có sức nặng chính trị lớn, có khả năng quy phục được các tầng lớp nhân dân bất kể là người thuộc phái nào. Nói đến Đức Vua, mọi người dân Thái Lan đều thể hiện tình cảm tôn kính, cảm phục. Một chỉ dụ của Vua Bhumibol cũng có thể tạo ra bước ngoặt trên chính trường. Giúp việc, cố vấn cho nhà Vua là Hội đồng cơ mật Hoàng gia - một ủy ban gồm 8 thành viên, chuyên hoạt động sau bức màn kín, đưa ra những đề xuất mật, kiến nghị chính sách đối với Hoàng gia trước những vấn đề của đất nước. Bên cạnh đó, quân đội Thái Lan - dù là lực lượng đứng trung lập trên danh nghĩa, cũng là nhân tố có tiếng nói quyết định trong đời sống chính trị ở Thái Lan, với 18 lần tiến hành đảo chính kể từ năm 1932, gần đây nhất là việc lật đổ ông Thaksin.
Rút kinh nghiệm từ người anh trai, ngay từ khi lên nắm quyền, bà Yingluck đã tìm cách tạo dựng mối quan hệ gần gũi với Hoàng gia và trên thực tế đã giành được sự ủng hộ từ lực lượng chính trị này. Phát biểu nhân dịp sinh nhật lần 94 hôm 25/8/2013, Chủ tịch Hội đồng cơ mật Hoàng gia Prem Tinsulanoda đã kêu gọi lực lượng vũ trang hoàng gia ủng hộ Thủ tướng Yingluck vì lợi ích của quốc gia và dân tộc; yêu cầu bà Yingluck chăm lo đất nước, tạo đoàn kết trong chính phủ, quân đội và xã hội Thái Lan. Trên cương vị là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, bà Yingluck có điều kiện thuận lợi hơn ông Thaksin trong xử lý mối quan hệ được cho là nhạy cảm giữa chính phủ với quân đội.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Yingluck đã đệ trình và được nhà Vua phê chuẩn kế hoạch cải tổ quân đội, với nhiều thay đổi về nhân sự quan trọng. Đối với chức danh Tư lệnh Lục quân - người có thực quyền rất lớn, bà Yingluck tế nhị để Đại tướng Prayuth Chan-ocha tại vị, dù ông này được cho là người có quan điểm cứng rắn, có liên quan đến sự ra đi của ông Thaksin, đồng thời là người chỉ đạo đàn áp biểu tình hồi năm 2010. Tham mưu trưởng lục quân Udomdej Sitabutra - người theo quan điểm ủng hộ Hoàng gia, được đôn lên làm Phó tư lệnh, chuẩn bị thay thế tướng Prayuth nghỉ hưu vào năm sau. Tướng Nipat Thonglek, người theo đảng Puea Thai, được bổ nhiệm làm Bí thư thường trực Bộ Quốc phòng.
Đảo chính quân sự ít có khả năng xảy ra, vậy đâu sẽ là kịch bản cho những diễn biến tiếp theo? Không khó để nhận ra rằng, số phận của cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là chủ đề nhạy cảm bậc nhất trong xã hội Thái Lan. Còn người dân nước này cũng đã mệt mỏi với những cuộc biểu tình chính trị kéo dài triền miên trong nhiều năm. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Hoàng gia chưa lên tiếng, còn quân đội khẳng định sẽ giữ thế trung lập như lời Đại tướng Prayuth, cả hai bên “áo vàng” và “áo đỏ” không thể mạo hiểm có những bước đi vượt giới hạn. Tạm thời để “hội chứng Thaksin” lắng xuống và chấm dứt biểu tình có thể là giải pháp chấp nhận được với các bên. Có lẽ vậy mà ông Suthep đã từng tuyên bố sẽ kết thúc chiến dịch biểu tình trước ngày 5/12/2013, ngày Quốc khánh và cũng là ngày sinh nhật Nhà vua Thái Lan?
Hoài Thanh