Đây cũng là một trong những thách thức địa chính trị đáng kể mà bất cứ ứng cử viên nào giành chiến thắng vào tháng 11/2016 cũng sẽ phải đối mặt.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, Nga chưa phải là một chủ đề nổi cộm trong cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên và cũng không chiếm nhiều thời lượng ở những lần tranh luận trực diện trên truyền hình. Ở lần tranh luận thứ ba, cả ông Barack Obama - ứng cử viên đảng Dân chủ và ông Mitt Romney - ứng cử viên đảng Cộng hòa, chỉ "lướt qua" Nga như một gạch đầu dòng tương đối nhỏ trong toàn bộ chính sách đối ngoại đầy tham vọng của mình. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi.
Ứng cử viên Clinton, nếu trở thành tổng thống Mỹ, có thể sẽ thúc đẩy kế hoạch tăng cường sự hiện diện về quân sự của Mỹ ở châu Âu. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhờ giá dầu thô trên thị trường thế giới được duy trì ở mức cao cho đến thời điểm giữa năm 2014, Nga có điều kiện tăng ngân sách cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng quân đội Nga theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ nhưng được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và đủ sức bảo vệ lợi ích quốc gia khi cần thiết. Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình và bắt đầu hậu thuẫn phong trào nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Để trả đũa, Mỹ và phương Tây nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới chức Nga cũng như một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nước này. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã lâm vào tình trạng căng thẳng kéo dài, tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vội vã tìm kiếm biện pháp ngăn chặn nguy cơ Nga mở rộng ảnh hưởng ở vùng đệm và xây dựng phương án bảo vệ các thành viên mới ở Đông Âu. Mỹ và đồng minh ở châu Âu đồng loạt điều chỉnh chính sách đối ngoại - quân sự, xác định Nga là mối đe dọa đối với lợi ích của họ.
Không thể phủ nhận một thực tế là Mỹ và Nga có thể chia sẻ nhiều lợi ích chung trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng chính là động lực quan trọng để hai nước hợp tác giải quyết những vấn đề nổi cộm như cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, chương trình hạt nhân của Iran, cuộc nội chiến ở Syria, nỗ lực ngăn chặn lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), cắt giảm vũ khí hạt nhân... Rõ ràng, trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, vùng giao thoa về ảnh hưởng và lợi ích ngày càng được mở rộng, cho thấy mức độ ràng buộc lẫn nhau ngày càng tăng.
Quan hệ Mỹ - Nga lâm vào trạng thái căng thẳng nhưng lại không thể đoạn tuyệt, thậm chí còn cần đến nhau - đó chính là nghịch lý mà các ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ phải tìm lời giải cho chính sách đối với Nga trong 4 năm tới. Ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ phải chèo lái chính sách làm sao vừa đảm bảo được lợi ích sống còn của Mỹ trên toàn cầu, vừa tranh thủ vai trò của Nga ở những điểm nóng trong bối cảnh Moskva không từ bỏ quyết tâm thay đổi trật tự do Washington thiết lập và vận hành.
Định hình lại mối quan hệ với Nga được các ứng cử viên Tổng thống Mỹ xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại nên đã không ngừng "khoan sâu" vào vấn đề này để tạo ra sự khác biệt và thu hút lá phiếu của cử tri. Tuy nhiên, đối với Nga, Mỹ khó có lựa chọn nào khác ngoài chính sách hai mặt: "vừa can dự vừa hợp tác", "Vừa kiềm chế vừa ngăn chặn" nhằm duy trì mối quan hệ trong tầm kiểm soát, tránh nguy cơ căng thẳng leo thang. Xuất phát từ cách tiếp cận này, bất cứ ứng cử viên nào trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng phải tính đến vai trò và ảnh hưởng của Nga khi đề ra chính sách đối ngoại, đặc biệt là ở những điểm nóng như Syria, Ukraine, hay cuộc chiến chống IS.