Châu Âu sẽ thất vọng với kết quả bầu cử Italia?

Italia rồi sẽ ra sao đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận châu Âu. Có rất nhiều điều để nói về một đất nước mà cách đây ít lâu từng đe dọa kéo cả Liên minh châu Âu (EU) vào vòng xoáy khủng hoảng vì gánh nợ công khổng lồ 2.000 tỷ euro, bằng 127% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cũng may phản ứng - rất chậm trễ - của ông Silvio Berlusconi trong vai trò lãnh đạo chính phủ Italia, rồi của ông Mario Monti, người kế nhiệm vào tháng 11/2011 đã phần nào khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư.


 

Các ứng cử viên chính trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Italia, (từ trái qua phải) Beppe Grillo, Silvio Berlusconi, Pier Luigi Bersani và Mario Monti.

 

Theo báo "Le Monde" ngày 19/2, các trái phiếu chính phủ của Italia hiện được giao dịch ở mức cao nhưng được các thị trường đánh giá là có thể chấp nhận được đối với nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Nhưng một thay đổi về chính sách kinh tế - xã hội sẽ khiến thực tế này thay đổi theo và chính vì vậy, các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện ngày 24 và 25/2 tại Italia không chỉ liên quan đến người dân nước này mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai gần của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hiện có ba lựa chọn được đưa ra trước các cử tri Italia.


Thứ nhất, sự theo đuổi chính sách kinh tế khắc khổ và chính sách tiền tệ “chính thống” của liên minh trung dung nằm dưới sự lãnh đạo của ông Mario Monti, người đang nỗ lực tìm cách “kế nhiệm chính mình” và trong chừng mực nào đó, của liên minh cánh tả nằm dưới sự lãnh đạo của ông Pier Luigi Bersani, cựu Bộ trưởng Phát triển Kinh tế hiện đang được đánh giá cao qua các cuộc thăm dò ý kiến cử tri.


Thứ hai, sự trở lại quá khứ với ông Silvio Berlusconi, người ra ứng cử lần thứ sáu với những hứa hẹn bãi bỏ hoặc giảm nhẹ các loại thuế, đồng thời sẽ tập trung phát triển các dự án lớn. Cuối cùng, sự hiện diện của ông Beppe Grillo, một ứng cử viên không mấy tên tuổi trên chính trường nhưng lại rất nổi tiếng trên mạng xã hội ở Italia. Tham gia tranh cử, cựu diễn viên hài kịch này có quan điểm coi mọi trách nhiệm chính trị là “không có sự phân biệt” và “gánh càng nhiều trách nhiệm càng tốt”...


Từ Brúcxen tới Oasinhtơn, hay ở bất cứ thủ đô nào trong EU, chính giới các nước đang nghi ngờ điều tồi tệ nhất: Thắng lợi của ông Berlusconi sau một cuộc “lội ngược dòng ngoạn mục”; một kỷ lục phiếu bầu đối với Grillo và “Phong trào 5 sao” của ứng cử viên này; sự sụp đổ của cánh tả cải cách; sự phân tán phiếu bầu của cử tri dẫn đến việc không thể bảo đảm một đa số ổn định tại Nghị viện. Tuy có cương lĩnh khác nhau nhưng hai ông Berlusconi và Grillo có một điểm chung là “thực sự có tài làm ảo thuật và làm xiếc” và có những dự án đưa Italia tránh xa đồng euro, một đồng tiền bị đánh giá là “quá phụ thuộc vào nước Đức”.


Có một điều gần như chắc chắn: ông Mario Monti sẽ không giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới. Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây nhất chỉ dành cho vị cựu thủ tướng này vị trí thứ tư. Cho dù chỉ “có ý nghĩa tham khảo” và không thể làm căn cứ xây dựng tiền đồ cho Italia, nhưng chiến dịch vận động tranh cử tại nước này đã chắc chắn làm đảo lộn chính sách kinh tế khắc khổ mà ông Monti từng được coi là biểu tượng.


Lối thoát tốt nhất có thể cho Italia là một thắng lợi của cánh tả, dù thắng lợi này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, để mở đường cho một liên minh bắt buộc với ông Monti. Tuy nhiên, cánh tả Italia chỉ có thể giành thắng lợi trong trường hợp đáp ứng được các nguyện vọng của tầng lớp trung lưu và điều này có vẻ như sẽ không diễn ra.


Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN