Canada có còn là 'sân sau' của Mỹ?

Washington tiếp tục chính sách “ưu tiên Mỹ trước” còn Canada nhận rõ không thể phụ thuộc vào một mình thị trường Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và Canada xuất hiện sự thay đổi và Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội từ sự thay đổi đó.

Người dân rảo bộ dưới tán cây anh đào ở Vancouver, Canada. Ảnh: THX-TTXVN


Theo tờ “Tin tức Thế giới”, Chính phủ của Đảng Bảo thủ ở Canada vừa hoàn thành một cuộc cải tổ quan trọng. Trong đó đáng chú ý nhất việc Bộ trưởng Di dân Jason Kenney đồng thời là thân tín nhất của Thủ tướng Stephen Harper chuyển sang lãnh đạo Bộ Việc làm - Phát triển xã hội mới thành lập và cựu Bộ trưởng Di sản James Moore trở thành Bộ trưởng Công nghiệp đầy quyền uy. Hai quyết định bổ nhiệm này tuy là công việc nội bộ của Canada, nhưng có thể nói là biểu hiện “bất tín nhiệm” rõ nhất đối với Mỹ.

Thông thường, vấn đề việc làm không thể tách rời tình hình kinh tế. Nếu tin tưởng vào sự phục hồi thuận lợi của kinh tế Mỹ, Canada -nước láng giềng vốn phụ thuộc vào việc xuất khẩu tài nguyên sang thị trường Mỹ- có thể đã không phải lo lắng vì nhờ đó, tỉ lệ việc làm sẽ tự nhiên tăng lên. Tuy nhiên, chính phủ của ông Harper cho rằng trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, khó có thể xoay chuyển được tình hình, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp sẽ khó giải quyết.

Cụ thể: Washington chắc chắn sẽ phải tiếp tục thực thi chính sách bảo hộ “ưu tiên nước Mỹ trước”, không mở rộng cửa để tài nguyên của Canada chảy về phía Nam. Như vậy, nếu ngồi đợi sự “mưa móc” của thị trường Mỹ, Ottawa sẽ rơi vào cảnh “ôm cây đợi thỏ”, đánh mất hi vọng hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp. Hệ quả là Chính phủ của Đảng Bảo thủ sẽ phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp cao, trở nên thất thế trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2015.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Harper đã cho thành lập Bộ Việc làm - Phát triển xã hội, giao cho Bộ trưởng đa tài và đầy sức hấp dẫn Kenney lãnh đạo, thực hiện quản lý các nguồn tài nguyên, giải quyết vấn đề việc làm. Thực chất là đặt nền móng cho thắng lợi của Đảng Bảo thủ tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015 và cũng là chuẩn bị cho việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ.

Tương tự, việc tấn thăng vượt cấp cho ông James Moore, một chính trị gia sinh năm 1976 đến từ tỉnh miền Tây British Columbia, cũng là nhằm gây sức ép đối với chính quyền của Đảng Tự do ở tỉnh này, buộc tỉnh British Columbia phải phối hợp với tỉnh Alberta (khu vực bầu cử của ông Harper và ông Kenney). Mục đích không ngoài việc thuyết phục các tổ chức bảo vệ môi trường và dân chúng, xây dựng đường ống dẫn dầu đến châu Á (chủ yếu là Trung Quốc), nhằm tăng cường xuất khẩu tài nguyên dầu mỏ của tỉnh Alberta. Hành động này cũng được cho là do Mỹ bức bách.

Vốn dĩ, việc xuất khẩu dầu từ Canada sang Mỹ là thuận tiện nhất, vừa gần, vừa nhanh, vừa kinh tế. Nhưng dưới áp lực của các tổ chức bảo vệ môi trường, Chính phủ của Tổng thống Obama đã có sự thay đổi, khiến kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu từ tỉnh Alberta của Canada tới bang Texas của Mỹ giậm chân tại chỗ và khó có thể khởi công. Đây quả thực là đòn giáng chí mạng đối với Canada.

Thủ tướng Canada Harper từng phát biểu một cách rõ ràng rằng nếu (dầu cát) không chảy được về phía Nam thì buộc phải tiến về phía Đông. Mỹ không cần dầu cát của Canada, nhưng Trung Quốc cần và chúng tôi (Canada) sẽ bán cho Trung Quốc.

Vì thế, Canada đã không ngại áp lực của Mỹ, để Công ty Cổ phần TNHH Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) mua công ty dầu mỏ của Canada, mở ra tiền lệ công ty nhà nước Trung Quốc mua công ty năng lượng của Canada. Hiện nay, ông Harper lại ra sức thúc đẩy việc xây dựng đường ống dẫn dầu sang châu Á, nhằm tránh nguy cơ từ việc lệ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trong cuộc đấu Trung-Mỹ giành quyền lãnh đạo thế giới, Canada, nước láng giềng có cùng văn tự, cùng chế độ, thân cận nhất với Mỹ đang dần tách xa Mỹ. Bộ trưởng Kenney từng nói với nhà bình luận Đinh Quả của tờ “Tin tức Thế giới” rằng so với nước Mỹ do Đảng Dân chủ của ông Obama lãnh đạo, quan niệm giá trị của cộng đồng người Hoa ở Canada gần quan niệm giá trị của Canada dưới sự lãnh đạo của Đảng Bảo thủ của ông Harper hơn. Canada vốn đã quen với sự ngạo mạn của Mỹ, nhưng giờ đây sự bất mãn đối với Mỹ ở nước này ngày một tăng lên.

Nhận thấy sự thay đổi lặng lẽ trong quan hệ giữa Mỹ và Canada, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội, thay đổi quan niệm ngoại giao lạc hậu trước đây, coi Canada như “kẻ theo đuôi Mỹ”. Kết quả, vị thế của Canada trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc được nâng mạnh, quan hệ giữa Trung Quốc và Canada được tăng cường và Trung Quốc đang dần biến “sân sau” vững chắc nhất của Mỹ trở thành tiền tuyến trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Từ đó có thể thấy, cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Canada sẽ ngày càng quyết liệt. Nhưng đối với Canada, nước này có thể được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.


Phương Linh

Vì sao Canada cắt viện trợ cho Trung Quốc?
Vì sao Canada cắt viện trợ cho Trung Quốc?

Theo báo “Bưu điện Quốc gia” ngày 21/3, Canada sẽ cắt viện trợ trực tiếp nước ngoài cho Trung Quốc - một phần trong kế hoạch sắp xếp lại các khoản viện trợ quốc tế.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN