Mỹ đòi phạt công ty Canada bán phần mềm quân sự cho Trung Quốc

Theo mạng tin "ipolitics.ca" (Canada) ngày 7/8, hai thượng nghị sỹ Mỹ đang thúc giục chính phủ nước này có hành động cứng rắn hơn đối với một công ty hàng không vũ trụ của Canada đã vi phạm luật pháp Mỹ, xuất khẩu phần mềm quân sự cho Trung Quốc.

 

Trụ sở công ty Pratt and Whitney Canada. Ảnh: Internet

 

Pratt and Whitney Canada (P&WC), thuộc sở hữu của Tổng công ty công nghệ quốc phòng Mỹ (UTC), thừa nhận với Bộ Tư pháp Mỹ rằng đã cùng với một công ty con khác của UTC là Hamilton Sundstrand, bán các chương trình phần mềm có thể cho phép Trung Quốc hoàn thành một chương trình phát triển máy bay trực thăng tấn công đầu tiên.

 

Hai thượng nghị sĩ John McCain và Carl Levin, thuộc Ủy ban về Dịch vụ vũ trang Thượng viện Mỹ, đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama gia tăng trừng phạt đối với P&W ngoài số tiền phạt trị giá 75 triệu USD đối với cả 2 công ty này.

 

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai thượng nghị sĩ này đã yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét đình chỉ hoặc ngăn chặn P&WC (có trụ sở ở Longueuil, Quebec) tham gia vào các hợp đồng quốc phòng của Mỹ. Họ nói rằng các hành vi vi phạm của P&W có thể gây những tổn hại đáng kể đối với an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của cả 3 công ty nói trên.

 

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu tất cả các sản phẩm quốc phòng chống lại Trung Quốc sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, ngay từ khi bắt đầu chương trình phát triển trực thăng tấn công dưới vỏ bọc chương trình trực thăng dân dụng, Trung Quốc đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ một số nhà cung cấp phương Tây. Và P&WC được xem là nhà thầu hăng hái nhất. Ngoài việc cung cấp động cơ cho Trung Quốc không có giấy phép, P&WC còn liên kết với Hamilton Sundstrand bán các phần mềm dùng để thử nghiệm và điều khiển động cơ trực thăng do công ty này sản xuất, giúp Trung Quốc phát triển máy bay trực thăng tấn công đầu tiên.

 

Các chuyên gia thương mại cho biết, trường hợp này xảy ra đúng thời điểm ngành công nghiệp quốc phòng của Canada đang gặp khó khăn khi Mỹ xem xét lại một số phần trong thỏa thuận vũ khí và thắt chặt các quy tắc liên quan đến hầu hết các nhà cung cấp quân sự ngoài Mỹ.

 

Tim Page, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh của Canada, cho biết: "Canada rất ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra. Người Canada luôn hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc Quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) bởi Mỹ là thị trường quan trọng hàng đầu đối với ngành công nghiệp này của Canada".

 

Trị giá xuất khẩu vũ khí của Canada sang Mỹ ước tính vào khoảng 4,9 tỷ USD mỗi năm trong tổng doanh số bán hàng quốc tế là 6,4 tỷ USD.

 

Ông Page không bình luận cụ thể về trường hợp của P&WC, nhưng cho rằng sự việc bị thổi bùng lên tại Mỹ có thể là do ảnh hưởng từ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ông nói: "Tất cả các bên làm ăn kinh doanh với Mỹ cần phải ý thức được pháp luật trong nước của họ. Ngành công nghiệp an ninh - quốc phòng của Canada cũng nhận thức rõ về pháp luật trong nước của Mỹ".

 

 

Thanh Hải (P/v TTXVN tại Canada)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN