'Cái sảy nảy cái ung'

Ngày 8/5, tròn 1 năm Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ cùng Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, Tehran đã có động thái cứng rắn nhất, thông báo tạm đình chỉ thực thi một số cam kết trong thỏa thuận này.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 5, trái) cùng đại diện các nước trong nhóm P5+1 trước khi ký thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) tại Lausanne, Thụy Sĩ ngày 2/4/2015. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố rằng Tehran sẽ tái khởi động việc làm giàu urani ở mức độ cao nếu trong vòng 60 ngày, các cường quốc thế giới không bảo vệ những lợi ích của Tehran trước lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Rouhani nói rằng Iran sẽ tạm ngừng chuyển urani đã làm giàu và nước nặng ra nước ngoài theo thỏa thuận hạt nhân, nhằm bảo đảm rằng các đối tác còn lại cũng thực hiện đúng những cam kết trong thỏa thuận này. Nhà lãnh đạo Iran cũng một lần nữa khẳng định nước này không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân như Mỹ đã làm, đồng thời nhấn mạnh Tehran sẵn sàng đối thoại để giải quyết bất đồng.

Trên thực tế, Iran đã liên tục đưa ra những tuyên bố cảnh báo về hành động cứng rắn kể trên, nhất là trong gần 1 tháng trở lại đây, khi “gọng kìm” trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran ngày càng siết chặt. Dư luận cũng không quá bất ngờ bởi hoàn cảnh của Iran đã bị coi là “dồn vào đường cùng”. Ngay từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 1 năm trước, Iran đã có hàng loạt cuộc đàm phán với các đối tác còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là các đồng minh của Washington ở châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức để cứu vãn thỏa thuận. 

Trong suốt 1 năm qua, Tehran đã phải hứng chịu liên tiếp các đòn trừng phạt từ Washington, bất chấp các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới thời điểm này đều khẳng định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã ngừng mọi hoạt động hạt nhân ở cấp độ vũ khí để đổi lại quốc tế hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Trong khi đó, các nước còn lại trong thỏa thuận, mặc dù đưa ra nhiều hứa hẹn, song lại tỏ ra chậm chạp trong việc thực thi các cam kết đối với quốc gia Trung Đông này. Nga và Trung Quốc, dù ủng hộ Iran, song không có khả năng gây sức ép để buộc Mỹ thay đổi chính sách, trong khi “bộ ba” Liên minh châu Âu (EU) chịu ràng buộc bởi quan hệ đồng minh quá chặt chẽ với Mỹ, không có hành động thực tế và hiệu quả để bảo đảm lợi ích của Iran theo thỏa thuận hạt nhân, và cũng là để bảo vệ lợi ích của chính các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran, bởi tính tới năm 2016, EU đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các dự án ở Iran. Chỉ trích mạnh mẽ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, thậm chí, bàn thảo một cơ chế phối hợp của EU, bao gồm cả việc làm ăn với Iran mà không cần đồng USD nhằm “tránh” biện pháp trừng phạt của Mỹ,  song rõ ràng EU thực sự “lúng túng và bất lực” trong việc giải quyết vướng mắc liên quan vấn đề này, một phần là bởi đối với EU, sức ép từ phía Mỹ -  nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đồng minh quan trọng về chính trị-an ninh quan trọng của EU, là rất lớn. Nói cách khác, suốt 1 năm qua, EU không thể trao cho Iran bất kỳ một sự bảo đảm nào trước sức ép của Mỹ, ngoài những lời hứa được lặp đi lặp lại. 

Trong khi đó, việc Mỹ từng bước khôi phục các biện pháp trừng phạt  Iran thực sự bóp nghẹt nền kinh tế quốc gia này. Tháng 8/2018, Mỹ khởi động lại một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực phi năng lượng của Iran như tài chính, khoáng sản và ô tô. Tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng, giao dịch dầu mỏ và giao dịch của Ngân hàng trung ương Iran để cắt nguồn thu nhập chính của chính quyền Iran. Gọng kìm cô lập Iran đã siết chặt ở mức tối đa, hầu như không để cho Iran một “con đường sống” khi Mỹ ngừng  miễn trừ trừng phạt 8 đối tác mua dầu của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 2/5 vừa qua. Ngay trong quý I/2019, khi Mỹ chưa áp đặt quy chế ngừng miễn trừ trừng phạt, Trung Quốc cũng đã giảm 28% và Ấn Độ giảm 40% lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran so với cùng kỳ năm trước. Ông Mohammed Mohsen Abo el-Nour, Chủ tịch Diễn đàn Arab phân tích các chính sách của Iran (AFAIP), cho rằng các biện pháp trừng phạt nói trên sẽ khiến Iran thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD/năm. 

Hậu quả, nền kinh tế Iran đang lâm vào khủng hoảng. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Iran, lạm phát trong tháng từ 21/3 đến 20/4 đã tăng lên 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá thực phẩm và dịch vụ tăng vọt tương ứng là 85% và 37%. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế của Iran sẽ suy giảm 6% trong năm nay, được coi là "màn trình diễn" tệ nhất của nền kinh tế này kể từ sau mức giảm 7,7% hồi năm 2012. Kinh tế suy giảm dẫn tới tình trạng bất ổn trong nước và các cuộc biểu tình liên miên. 

Trong bối cảnh đó, căng thẳng giữa Tehran và Washington càng bị đẩy lên một nấc thang mới với việc Mỹ liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào cái gọi là “danh sách khủng bố”, hay mới đây triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 tới vùng Vịnh. Các chuyên gia cho rằng chính thực tế đó đã khiến Iran hành động tìm lối thoát khi không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi thêm được nữa. Có vẻ Iran đã “không còn gì để mất” và phải dùng tới “quân bài cuối cùng” trong cuộc đấu khốc liệt này, đó chính là thỏa thuận hạt nhân. Như đánh giá của Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế Đuma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, quyết định của Iran đình chỉ thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân bắt nguồn từ hành động “thiếu trách nhiệm” của Mỹ khi rút khỏi một thỏa thuận từng là nỗ lực ngoại giao của cả cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Những thông điệp từ Tehran đưa ra ngày 8/5 được giới quan sát khu vực đánh giá thể hiện lập trường cứng rắn của Iran, và cũng là một hành động tạo áp lực với các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân. Mặt khác, giới bảo thủ ở Tehran, vốn ưu những biện pháp đối kháng với Mỹ, cho rằng đối đầu với Washington để thể hiện vị thế của Iran trong khu vực vẫn tốt hơn là chịu thỏa hiệp hay nhún nhường trước Mỹ.

Trong những phản ứng đầu tiên, các nước EU tham gia thỏa thuận hạt nhân đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến mới này, khẳng định các nước châu Âu mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân. Theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp, các nước châu Âu sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran nếu Tehran từ bỏ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015. Còn Nga lưu ý rằng Mỹ cũng nên thể hiện sự cởi mở trong đối thoại với Iran đồng thời bày tỏ hoan nghênh Tehran sẵn sàng đàm phán với các đối tác châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran nên được thực thi đầy đủ và nhấn mạnh trách nhiệm của các bên liên quan. 

Hiện điều khiến dư luận lo ngại nhất là nguy cơ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đổ vỡ, mặc dù Iran tuyên bố chưa có ý định rút khỏi thỏa thuận này. Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif mới đây đã lên tiếng thừa nhận rằng Tehran “đang chịu áp lực hằng ngày” phải từ bỏ thoả thuận hạt nhân, như Mỹ đã làm, khi JCPOA đã không đem lại những kết quả đáng kể nào như Tehran từng kỳ vọng. Khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận để gây sức ép với Iran, tương lai của thỏa thuận hạt nhân hiện được đánh giá là sẽ phụ thuộc nhiều vào những bước đi của các đối tác châu Âu. Đối với Iran, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận cần phải chứng minh “nói đi đôi với làm” trong việc giúp Tehran đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ như những gì họ đã hứa hẹn. Đây chính là bài toán mà phía châu Âu phải giải nếu muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Tình hình thực tế cho thấy những “rủi ro” mà Iran có nguy cơ gặp phải nếu nước này thực sự theo đuổi việc ngừng tuân thủ những giới hạn liên quan đến dự trữ urani được làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân đã ký. Mỹ hoàn toàn có thể lấy đây làm “cái cớ” để tiếp tục trừng phạt Iran. Tuy nhiên, việc Iran đưa ra khoảng thời gian 60 ngày và cũng chỉ tạm dừng thực hiện hai điều khoản 26 và 36 của thỏa thuận hạt nhân, cũng được cho là “để lại một khe cửa thương lượng” và không để mọi chuyện vượt tầm kiểm soát. Dù vậy thì động thái của Iran vẫn là một “nước cờ” mang tính may rủi.

Nói cho cùng thì bước đi cứng rắn của Iran có thể coi là “ăn miếng, trả miếng” trước chiến lược của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo mà giới phân tích gọi là chiến lược tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chính sách trừng phạt, o ép của Mỹ đối với Iran suốt 1 năm qua, có thể giúp Washington thực hiện được toan tính giảm tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Tehran, song rõ ràng cũng kéo theo quá nhiều hệ lụy không mong muốn. Cái sảy nảy cái ung, từ “đòn tấn công” của Mỹ tới “bước đáp trả” của Iran, cuộc đấu giữa Washington và Tehran đang đẩy các bên liên quan vào thế khó. Thậm chí, chỉ cần một tính toán sai lầm của bất kỳ bên nào cũng có thể đẩy khu vực rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới. Ngoài ra, nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran cũng là một kịch bản không thể loại trừ nếu nhìn vào những động thái triển khai lực lượng của Mỹ ở Vùng Vịnh.

Trương Tuấn (Phóng viên TTXVN tại Trung Đông)
Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân
Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân

Sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là mối hiểm nguy đối với Iran và cả thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN