Cái chết của nữ thẩm phán Toà án Tối cao đang tái định hình cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ

Việc nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời sẽ tác động và tái định hình chiến dịch tranh cử tổng thống và bầu cử Quốc hội Mỹ năm 2020 trong bối cảnh một số người dân Mỹ đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Barack Obama ôm nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg tại Đồi Capitol trước khi đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, trong nhiều tháng qua, các cuộc công kích nhằm vào cách Tổng thống Donald Trump xử lý COVID-19 - cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng lớn nhất trong một thế kỷ qua - đã gây tổn hại nặng nề tới triển vọng tái đắc cử của nhà lãnh đạo khi số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Mỹ đã lên con số gần 200.000 người.

Tuy nhiên, cái chết của nữ thẩm phán Ginsburg vào ngày 18/9 vừa qua bất ngờ khiến cuộc bầu cử năm nay thêm phức tạp và khó lường. Tổng thống Trump hoặc ứng viên tranh cử Đảng Dân chủ ông Joe Biden có thể phải chọn một người kế nhiệm. Người này sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định về vấn đề phá thai, về môi trường, quyền lực của tổng thống và đặc biệt là bảo vệ tính công minh của hệ thống tư pháp Mỹ.

Với việc bỏ phiếu sớm ở 5 tiểu bang và chỉ còn hơn sáu tuần nữa tới Ngày Bầu cử, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ngày 18/9 cùng bày tỏ quan điểm ca ngợi Ginsburg là nhà tư tưởng pháp lý hàng đầu và ủng hộ nữ quyền. Các chiến lược gia của hai bên cũng nắm bắt thời điểm để tìm ra lợi thế.

Đối mặt với kịch bản xấu nhất là mất quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng viện, một số thành viên đảng Cộng hòa coi việc lấp đầy vị trí trống do bà Ginsburg để lại ở Tòa án Tối cao là một trong số ít lựa chọn để Tổng thống thu hút cử tri bên cạnh những người ủng hộ trung thành, đặc biệt là nhóm đối tượng phụ nữ sống ở ngoại ô đã không còn quan tâm tới đảng Cộng hòa trong nhiều năm trở lại đây.

Chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng hòa Alex Conant cho biết: “Thật không khó để thấy điều này giúp ích cho Tổng thống Trump về mặt chính trị. Ông Biden muốn cuộc bầu cử lần này là một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump. Bây giờ sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về bất kỳ ai mà ông Trump đề cử vào Tòa án Tối cao”.

Tòa án Tối cáo Mỹ có 9 thẩm phán. Họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Sau khi bà Ginsburg qua đời, Tổng thống Donald Trump sẽ đề cử một ứng viên mới. Ứng viên trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số tối thiểu thượng nghị sĩ tại Thượng viện phê chuẩn. Do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện nên nhân vật được Trump đề cử nhiều khả năng sẽ được chọn. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ châm ngòi cho một cuộc đối đầu găy gắt với đảng Dân chủ, những người muốn một nhân vật có quan điểm tự do thay thế Thẩm phán Ginsburg.

Các chuyên gia cho rằng sự ra đi của Ginsburg có thể làm thay đổi đáng kể cán cân tư tưởng của Tòa án Tối cao Mỹ khi Tổng thống Trump có cơ hội mở rộng thế đa số bằng việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ.

Chú thích ảnh
Cờ hạ xuống một nửa sau khi Tòa án Tối cáo thông báo nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 87. Ảnh: AP

Ngay sau khi thông tin về cái chết của nữ thẩm phán Ginsburg được công bố, một số đảng viên Cộng hòa cho biết việc nhanh chóng xác nhận một ứng viên thay thế sẽ ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz đại diện bang Texas - người được Tổng thống Trump liệt kê vào danh sách ứng cử viên tiềm năng vào Tòa án Tối cao hồi đầu tháng này - cho biết việc Thượng viện xem xét và thông qua ứng viên thay thế bà Ginsburg do Tổng thống Trump đề cử trước Ngày bầu cử là "rất quan trọng".

“Đảng Dân chủ và ông Joe Biden thể hiện rõ họ có ý định thách thức cuộc bầu cử này, họ có ý định chống lại tính hợp pháp của cuộc bầu cử này”, Thượng nghị sĩ Cruz phát biểu trên chương trình “Hannity” tối 18/9.

Về phần mình, các thành viên đảng Cộng hòa cảnh báo có khả năng xảy ra gian lận và nhầm lẫn trên diện rộng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 do quy mô chưa từng có của các cuộc bỏ phiếu qua thư.

“Chúng ta không thể để Ngày Bầu cử diễn ra với một tòa án với tỷ lệ 4-4 (không có đảng nào chiếm thế đa số ở Tòa án Tối cao khi bà Ginsburg qua đời). Một tòa án 4-4 không thể quyết định bất cứ điều gì. Tôi nghĩ chúng ta có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu chúng ta không có Tòa án tối cao gồm 9 người, đặc biệt là khi có nguy cơ tranh tụng và bầu cử tranh chấp như vậy”,

Thượng nghị sĩ Cruz nhấn mạnh nếu như chỗ trống của bà Ginsburg không được lấp kín, cuộc chiến pháp lý sẽ kéo dài “hàng tuần, hàng tháng” và tất nhiên là chẳng có người thắng cuộc một cách rõ ràng.

Ngày 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố “rất có thể” ông sẽ đề cử một người phụ nữ thay thế bà Ginsburg tiếp quản vị trí. Nhân vật nữ được đề cử có thể là đối trọng với ứng viên liên danh với ông Joe Biden – Thượng nghị sĩ Kamala Harris, người phụ nữ đầu tiên có thể trở thành phó tổng thống Mỹ.

Trong một diễn biến mới nhất, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cam kết sẽ nhanh chóng tiến hành một cuộc bỏ phiếu cho bất kỳ ai mà Tổng thống Trump đề cử. Nhưng ông phải đối mặt với sự chia rẽ tiềm tàng trong hàng ngũ của mình. Ngày 19/8, Thượng nghị sĩ Susan Collins đảng Cộng hòa bày tỏ bà tin rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử 3/11 nên đề cử người thay thế Ginsburg.

Trong khi đó, ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Biden – từng cam kết bổ nhiệm người phụ nữ da đen đầu tiên vào Tòa án Tối cao – phát biểu trước phóng viên rằng nên để "cử tri chọn tổng thống và tổng thống chọn người vào tòa án tối cao”.

Một số thành viên Đảng Dân chủ tỏ ra lo ngại việc bổ nhiệm vị trí trống trong Tòa án Tối cao có thể chuyển sự quan tâm của dư luận rời khỏi cuộc tranh luận về COVID-19 - vốn là yếu tố trung tâm trong chiến dịch của ông Biden.

Năm 2016, ứng viên tranh cử Trump đã thực hiện một bước đi chưa từng có khi công bố danh sách các lựa chọn của ông vào Tòa án Tối cao trước khi đắc cử. Đảng Cộng hòa tin rằng cuộc tranh luận nổi tiếng về sự lựa chọn cuối cùng của Trump tại Tòa án Tối cao, Brett Kavanaugh, đã giúp đảng Cộng hòa giữ lại Thượng viện trong suốt nhiệm kỳ 2018 khi đảng này mất quyền kiểm soát Hạ viện.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Thẩm phán Mỹ chặn lệnh cấm đối với ứng dụng Wechat
Thẩm phán Mỹ chặn lệnh cấm đối với ứng dụng Wechat

Ngày 20/9, một thẩm phán tòa án sơ thẩm thành phố San Francisco, thuộc bang California của Mỹ đã chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng tin nhắn WeChat của công ty công nghệ Tencent (Trung Quốc), chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm này có hiệu lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN