Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, dù các thị trường chứng khoán và các đồng tiền châu Á đang chứng kiến những biến động hàng ngày, những bài học đau đớn của 18 năm trước giúp các nền kinh tế này có sức chống đỡ tốt hơn nhiều trước các cú sốc. Dù vậy, các nền kinh tế châu Á có thể cảm nhận nỗi đau, nhất là khi đầu máy của kinh tế toàn cầu là Trung Quốc trượt sâu vào con đường giảm tốc kéo dài, khiến nhu cầu đối với hàng hóa của các quốc gia mới nổi không còn được như trước.
Bảng tỉ giá chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 1/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhưng một điểm khác căn bản ngày nay là việc bỏ neo đồng tiền sẽ cho phép các nền kinh tế châu Á bị tác động mà không gục ngã. Trước năm 1997, chính phủ các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc đã neo đồng tiền của mình vào đồng USD. Điều này giúp dẫn dòng tiền nóng đầu cơ từ nước ngoài vào các nền kinh tế này, thổi phồng bong bóng chứng khoán và bất động sản, trong khi che giấu những mất cân đối đang hình thành trong nền kinh tế. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng chậm hơn và sức hấp dẫn đầu tư không còn như trước, đồng tiền của các nước này chịu sức ép dữ dội, buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ USD dự trữ quý giá để giữ giá cho đồng nội tệ. Cuối cùng thì, việc neo đồng tiền như vậy buộc phải từ bỏ và các nền kinh tế bị chấn động mạnh.
Cuộc khủng hoảng vào cuối thập niên 1990 cũng đã phơi bày một loạt sai sót trong giám sát, quản lý, đặc biệt là trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, hầu hết những sai sót đó đã được giải quyết. Theo nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS, Rajiv Biswas, tất cả những điều đó đã thực sự đã làm tăng khả năng chống sốc khi không để lặp lại những sai lầm đã mắc phải. Tuy nhiên, ông cho rằng một trong những vấn đề lớn ngay vào lúc này là châu Á có thể trụ được trước một cuộc khủng hoảng lớn và kéo dài ở Trung Quốc hay không.
Các nền kinh tế trên khắp châu Á và các nền kinh tế phát triển trên thế giới đã trở nên phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc trong xuất khẩu khoáng sản, gỗ, tài nguyên năng lượng và các hàng hóa khác. Nhưng kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn, đưa đến làn sóng bán tháo trên các thị trường mới nổi khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn hơn như các tài sản của Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục 10%/năm đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này năm nay đã giảm xuống 7% và động thái điều chỉnh tỷ giá gần đây đã gây sức ép lớn hơn đến đồng tiền của các nước khác, gây nghi ngại kinh tế Trung Quốc yếu hơn so với dự báo. Ông Biswas nói thêm rằng ông không cho rằng tình hình hiện nay giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nhưng nếu Trung Quốc hạ cánh cứng và tăng trưởng thấp trong nhiều năm thì sẽ gây ra những vấn đề cho châu Á. Hầu hết các đồng tiền châu Á đã giảm khá mạnh so với đồng USD trong năm nay, dẫn đầu là đồng ringgit của Malaysia, với mức giảm 34% trong 12 tháng.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Song Seng Wun của CIMB Private Banking cho rằng các nền tảng kinh tế của khu vực vẫn mạnh hơn nhiều so với 18 năm trước và ở một khía cạnh nào đó, các đồng tiền mất giá là có lợi cho xuất khẩu. Ông nói mặc dù tăng trưởng chậm hơn, các nền kinh tế châu Á không đến mức rơi vào suy thoái.