Bùng nổ chiến tranh kinh tế Nga – Phương Tây

Nga đã chính thức leo thang cuộc chiến kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt của Phương Tây khi tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu mọi mặt hàng nông sản của Mỹ cũng như toàn bộ trái cây và rau quả từ Liên minh châu Âu (EU).


Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh trả đũa các biện pháp trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Moskva. Các sự kiện khiến người ta lo ngại về một cuộc đối đầu dai dẳng giữa Đông và Tây mà thiệt hại không chỉ giới hạn ở hai đối thủ này.

Ăn miếng trả miếng


Phát ngôn viên của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) Alexei Alekseenko ngày 7/8 tuyên bố: "(Toàn bộ thực phẩm) đang được sản xuất tại Mỹ và cung cấp cho thị trường Nga sẽ bị cấm. Trái cây và rau quả từ EU sẽ bị cấm toàn bộ". Ngoài ra, theo ông Alekseenko, VPSS sẽ cấm nhập khẩu gia cầm của Mỹ. Với việc Nga là nước mua khá nhiều thực phẩm từ Mỹ và châu Âu, lệnh cấm này đánh dấu sự leo thang đáng lo ngại của làn sóng trừng phạt kinh tế “ăn miếng trả miếng” được khơi mào từ cuộc khủng hoảng Ukraine.




Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh ngừng hoặc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Moskva và ra lệnh ra chính phủ đưa ra một danh sách các sản phẩm nhập khẩu bị cấm trong vòng một năm.


Một số biện pháp đáp trả đã đuợc triển khai khác của Nga như cấm một số sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như sữa từ Ukraine, táo của Ba Lan, bò Úc, thịt lợn từ một số quốc gia láng giềng và hoa quả của Moldova. Nước này cũng cấm một số hãng hàng không như Lufthansa, Air France và British Airways khai thác tuyến bay sang châu Á được bay qua Siberia, đường bay ngắn và tiết kiệm nhất. Theo tờ Vedomosti các hãng hàng không nước ngoài phải trả cho Aeroflot (cơ quan hàng không Nga) 300 triệu USD mỗi năm để khai thác tuyến bay này.


Trở lại thời gian trước, Mỹ và EU lần đầu tiên áp đặt các lệnh trừng phạt Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2013 và tiếp tục siết chặt trừng phạt sau khi máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi tháng trước tại miền Đông Ukraine, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai mà Mỹ và châu Âu cáo buộc có sự hậu thuẫn của Nga.


Trong giai đoạn đầu, EU và Mỹ áp đặt các lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân và tổ chức được cho là hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Sau đó, EU đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt giai đoạn ba đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt mới của EU có hiệu lực kể từ ngày 1/8, liên quan đến bốn lĩnh vực là: tài chính, xuất nhập khẩu vũ khí, xuất khẩu sản phẩm lưỡng dụng, xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.


Theo đó, Nga không được phép tham gia vào thị trường tài chính châu Âu; hoạt động buôn bán vũ khí giữa Nga và EU bị cấm; EU ngừng xuất khẩu sang Nga các sản phẩm sử dụng trong cả lĩnh vực dân sự và quân sự như máy tính, thiết bị điện tử hoặc máy móc đặc biệt; dừng xuất khẩu từ EU sang Nga các "công nghệ nhạy cảm" liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Mỹ và EU cũng nhất trí bổ sung vào danh sách trừng phạt các cá nhân và các tổ chức mà EU cho là có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có một số nhân vật gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Lưỡng bại câu thương


Theo đánh giá của tờ "EU observer", gói biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng với Nga có thể khiến nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ euro, Cụ thể, kinh tế Nga sẽ tổn thất 23 tỷ euro trong năm 2014 và 75 tỷ euro năm 2015. Còn tờ "The Economist" đánh giá thiệt hại đối với các công ty của Nga có thể lên đến 744 tỷ euro.


Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Quốc gia Nga cho rằng việc Nga bị trừng phạt rất có thể dẫn đến vật giá tăng cao trong mùa Thu năm nay, ngân sách eo hẹp, phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Đòn trừng phạt của Mỹ và EU sẽ giáng đòn mạnh vào niềm tin của nhà đầu tư đối với sự phục hồi của kinh tế Nga trong 6 tháng cuối năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự tính, nếu diễn biến tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng thì nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Nga chắc chỉ đạt 0,3%.


Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ euro trong 2 năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng. Các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Nga gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế gặp khó khăn của EU, đặc biệt là Italy. Trong khi đó, Trung tâm tài chính London sẽ mất phần từ Nga và con số có thể lên đến hàng trăm triệu bảng.


EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ euro. Các biện pháp hạn chế huy động vốn sẽ tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Một phản ứng tiêu cực rõ nét đó là ngay sau khi Mỹ và EU đồng loạt áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới, nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Ba Lan, Anh, Bỉ, Đức… đều thừa nhận chính họ sẽ thiệt hại lớn từ “cuộc chiến” lệnh trừng phạt giữa Phương Tây và Nga.


IMF cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đây chống lại Nga có thể tác động tiêu cực tới khu vực. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn IMF William Murray nói: “Ở tầm khu vực, chắc hẳn (các biện pháp trừng phạt Nga) sẽ có một số ảnh hưởng”, đặc biệt là về thương mại. Trong đó, khu vực châu Âu và Trung Á sẽ bị tác động mạnh nhất.


Theo các chuyên gia IMF, các ngân hàng Áo là những thể chế dễ bị tổn thương nhất và những hậu quả đối với các ngân hàng này có thể ảnh hưởng tới các kênh tín dụng tại châu Âu. Ngoài ra, các ngân hàng Pháp, Italy và Thụy Điển cũng đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với các ngân hàng của các nước phát triển khác.


Bên cạnh đó, Nga nắm giữ huyết mạch năng lượng của EU khi cung cấp gần 1/3 khí đốt cho thị trường châu Âu, nên một khi Nga áp dụng biện pháp chống trừng phạt, EU sẽ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Theo thẩm định của công ty tư vấn Mỹ, Sanford C. Berstein & Co, đóng cửa thị trường với khí đốt của Nga sẽ buộc EU hoặc phải đầu tư thêm 215 tỉ USD để nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp thay thế hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ đến 15 tỉ mét khối/năm.


Năng lượng là một nhược điểm của châu Âu. Liên minh này nhập vào hơn 50% năng lượng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp trong toàn khối. Mặc dù tại, hội nghị thượng đỉnh Âu - Mỹ mùa Xuân vừa qua, Washington đã đề nghị “sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Moskva”. Tuy nhiên, đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa suông, vì việc đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không đơn giản.


Do vậy, các chính khách của châu Âu đủ thực tế để ý thức được rằng mùa Đông tới đây, EU sẽ vô cùng chật vật nếu không có khí đốt của Nga. Dù muốn hay không, nước xa không cứu được lửa gần, khí đốt mà Washington hứa bán cho Brussels là chuyện của tương lai, còn khí đốt mà Nga đang bán cho châu Âu là câu chuyện của hiện tại.


Ukraine – nạn nhân chính


Tuy nhiên, trong cuộc đối đấu Đông – Tây mà Ukraine là chiến tuyến này, Kiev sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại nhiều nhất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh xã hội.


Kiev sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc đối đấu Đông – Tây.


Riêng về khía cạnh kinh tế, Ukraine vốn đã chìm trong suy thoái được dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm trong quý II/2014 trong bối cảnh nước này vẫn đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước. Theo thống kê, GDP của Ukraine trong quý II/2014 giảm 2,3%, sau khi giảm 2% trong quý I/2014. Kinh tế Ukraine suy thoái kéo dài trong hơn 2 năm qua và tình hình xấu đi trong vài tháng gần đây, do tình hình khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết. IMF cảnh báo kinh tế Ukraine có thể suy giảm 6,5% trong năm 2014 và Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho rằng Ukraine có thể cần thêm viện trợ.


Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp của Ukraine phải chịu sức ép do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực luyện kim của châu Âu và mối quan hệ căng thẳng với Nga. Trong tháng 6/2014, sản xuất công nghiệp của Ukraine giảm 5% so với cùng kỳ năm 2013. Tại các khu vực Donetsk và Lugansk, kinh tế suy giảm mạnh hơn. Hoạt động sản xuất công nghiệp của hai khu vực này giảm tương ứng 13,7% và 20,4% trong tháng 6 vừa qua.


Đó là chưa kể đến việc Nga tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều sản phẩm của Ukraine nhập khẩu vào thị trường Nga cùng con bài khí đốt mà Moskva đang áp dụng với Kiev.


Tóm lại, khi đưa ra các lệnh trừng phạt, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố rằng điều này không phải là sự bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, mà chỉ là biện pháp để ép Nga phải xuống thang căng thẳng và nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Nhưng các xu hướng và động thái gần đây khiến người ta lo ngại một cuộc chiến tranh lạnh nữa có thể đã bắt đầu.



Thái Nguyễn

IMF: Cấm vận Nga có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu
IMF: Cấm vận Nga có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu

Việc Mỹ, phương Tây tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga và các biện pháp trả đũa của Moskva có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN