Bí quyết thoát bẫy thu nhập trung bình của ba cường quốc Đông Á

Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là ba quốc gia Đông Á đã thành công trong việc thoát bẫy thu nhập trung bình và thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu để xây dựng một xã hội ngày càng phát triển, nhất là về mặt thu nhập.

Ảnh minh họa.

Nhật Bản: Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập

Tháng 12/1960, Thủ tướng Nhật Bản Hayato Ikeda đã đề xuất “kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập” đầy tham vọng nhằm tăng gấp đôi mức thu nhập tính trên đầu người trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, khi ấy mọi người cho rằng đây là một dự án bất khả thi.

Bắt đầu từ năm 1961, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng loạt biện pháp tăng thu nhập cho người dân. Về nông nghiệp, Tokyo nâng giá nông sản và khuyến khích người dân tăng năng suất. Trong lĩnh vực công nghiệp, Chính phủ cắt giảm thuế và hạ lãi suất nhằm tạo điều kiện cho việc vay vốn và giảm chi phí sản xuất. Trong lĩnh vực thương mại, giới chức trách đã tiến hành nhiều biện pháp thúc đẩy tự do hóa thương mại và thu hẹp khoảng cách thu nhập.

Chính phủ của Thủ tướng Ikeda cũng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc và đổi mới công nghệ. Có thể nói chính quyền khi đó đã có rất nhiều biện pháp và nỗ lực nhằm cân bằng tốc độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn. Giai đoạn này được gọi là “Những năm 60 Vàng” của Nhật Bản. Nền kinh tế vươn lên từ tro bụi của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đã tăng gấp đôi chỉ trong 6 năm và thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 7 năm. Những kết quả đạt được nhờ kế hoạch tham vọng của Chính phủ Ikeda là kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, thu nhập trung bình của người dân tăng cao và các tài sản xã hội được cân bằng hợp lý. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, ước tính lên đến 100 triệu người.

Hàn Quốc: Phong trào Làng Mới


Một người nông dân ở Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Trước năm 1970, sự chênh lệch mức sống giữa khu vực nông thôn và thành thị ở Hàn Quốc là rất lớn. Trước tình hình này, Tổng thống Park Chung-hee đã triển khai “Phong trào Làng Mới” vào năm 1970 nhằm thu hẹp khoảng cách ngày một giãn rộng này. “Cần cù, Tự lực và Hợp tác” là những khẩu hiệu được đưa ra nhằm khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình phát triển chung của đất nước. Giai đoạn đầu của phong trào tập trung vào cải thiện điều kiện và môi trường sống cơ bản. Các dự án sau đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn và gia tăng thu nhập trong xã hội.

Sau thành công ở khu vực nông thôn, phong trào lan rộng khắp các nhà máy cũng như các vùng đô thị và trở thành một phong trào hiện đại hóa toàn quốc. Nhờ có phong trào kéo dài hàng thập kỷ này, thu nhập của người nông dân Hàn Quốc đã tăng đáng kể, thậm chí trong nhiều giai đoạn còn vượt qua cả người dân sinh sống ở thành phố. Trong những năm 1990, tỷ lệ hiện đại hóa của Hàn Quốc đã đạt trên 70%, số lượng người dân sinh sống ở vùng nông thôn trước đây chiếm 80% dân số toàn quốc, song đến giai đoạn này đã giảm xuống dưới 10%. Bên cạnh Phong trào Làng Mới, Chính phủ Hàn Quốc cũng có những biện pháp tăng cường hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp và các nhóm người chịu thiệt thòi, tích cực xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội nhằm xóa bỏ đói nghèo.

Singapore: Chương trình Nhân tài

Một lớp học ở Singapore.

Từ năm 1980 đến nay, Singapore đã bắt đầu chú trọng đầu tư phát triển một xã hội với tầng lớp trung lưu chiếm đa số. Nhân tố chính của thành công này là giáo dục, hay còn được gọi là “Chương trình Nhân tài”.

Chính phủ Singapore coi giáo dục là một sự đầu tư thích đáng cho người dân của họ, do đó đã nhấn mạnh vào sự phát triển của giáo dục và nguồn nhân lực. Số liệu thống kê cho thấy các quỹ dành cho giáo dục chiếm ít nhất 12% ngân sách quốc gia thường niên, và thậm chí có thể lên đến 35%, cao thứ hai trong tổng chi tiêu chính phủ hàng năm. Chính phủ Singapore hỗ trợ hầu như toàn bộ giáo dục cấp một, cấp hai và cấp ba. Giới chức Singapore coi trọng đồng đều các hoạt động giáo dục cơ bản, giáo dục nâng cao và đào tạo nghề. Chính phủ cũng khuyến khích tư duy sáng tạo và phản bác của học sinh và cho phép các trường tư thục tự đưa ra chương trình giảng dạy. Nhờ giáo dục đại học và đào tạo nghề, người dân Singapore ngày càng giỏi tay nghề và chuyên nghiệp hơn, giúp họ có nhiều cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập nhanh chóng. Những cá nhân này đã dần trở thành lực lượng nòng cốt hình thành nên tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Chính phủ Singapore cũng đưa ra các chính sách ưu đãi và biện pháp hợp lý để thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại Singapore. Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng nhau liên tục đóng góp trí tuệ và kỹ năng cho nền kinh tế Singapore.

Quan sát cách ba quốc gia Đông Á này thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu, không khó để thấy được rằng mặc dù có những biện pháp khác nhau, song họ đều lựa chọn chung một con đường. Đó là phát triển kinh tế thông qua hàng loạt các biện pháp như giáo dục, thương mại, đầu tư và đổi mới, nhằm tăng thu nhập cho người dân và tái cân bằng tài sản xã hội bằng cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Với sự hỗ trợ của tầng lớp trung lưu ổn định và chiếm đa số, ba quốc gia đã thành công trong việc vươn lên trở thành một xã hội có mức thu nhập cao.

TTXVN/Tin Tức
Rộng mở thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Rộng mở thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), sau 21 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế thương mại, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ duy trì ổn định ở mức 15-20% mỗi năm. Điều này cho phép chúng ta lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế vững chắc thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN