Bảy lý do kinh tế Mỹ sẽ trỗi dậy

Vào thời điểm kinh tế toàn cầu bấp bênh, những bình luận về sự thiếu ổn định, tâm trạng lo lắng... tràn ngập khắp nơi. Nhưng điều khó khăn nhất là dự báo được xu hướng lâu dài.

 

Ngành chế tạo Mỹ tăng trưởng 10 tháng liên tiếp, tính đến tháng 5/2012.

Trong bài phân tích “Bảy lý do không nên rời xa Mỹ” đăng trên tờ The Australian số ra ngày 12/7, cây bút chính trị nổi tiếng Greg Sheridan cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là lực lượng dẫn đầu, có ảnh hưởng lớn trong việc đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khó khăn.


Năm 1997, khủng hoảng kinh tế tấn công khu vực Đông Á. Đã có những lời chế nhạo về dự báo khả năng nền kinh tế khu vực này có thể trỗi dậy. Nhưng ngay cả khi cuộc khủng hoảng ở thời điểm cao trào, ông George Yeo - một trong những chính trị gia được đánh giá là thông thái ở Đông Nam Á và là Bộ trưởng Ngoại giao Xinhgapo - không đếm xỉa tới kiểu chế nhạo đó. Ông Yeo đã đúng khi đánh giá rằng vài năm sau khủng hoảng kinh tế, Đông Á có thể tăng cường sức mạnh trở lại.


Câu chuyện trên dường như giống với tình trạng hiện nay của Mỹ. Không phủ nhận Mỹ đang gặp khó khăn, nhưng tác giả Greg Sheridan đưa ra bảy lý do cho thấy Mỹ sẽ vượt thử thách để một lần nữa trỗi dậy.


Thứ nhất, Mỹ có ngành chế tạo và xuất khẩu phục hồi một cách đáng ngạc nhiên. Có nhiều cách đánh giá về ngành chế tạo. Nếu nhìn vào việc làm, ngành chế tạo Mỹ dường như hồi phục ít. Nếu nhìn vào giá trị, ngành này bắt đầu bùng nổ. Mấy năm qua, việc làm trong ngành chế tạo chuyển từ Mỹ tới khu vực châu Á và Mỹ Latinh, bởi tỷ lệ lao động của Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác. Nhưng lao động chỉ là một phần trong cấu trúc giá cả của ngành chế tạo. Máy móc ngày càng tạo thêm nhiều máy móc, làm nên sức mạnh kinh tế Mỹ. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, chi phí lớn hơn nằm ở khâu vận chuyển. Tại một thị trường lớn như Mỹ, đó là lợi thế.


Hệ thống các quan hệ công nghiệp linh hoạt của Mỹ đồng nghĩa với việc các công việc mới trong ngành chế tạo có thể đàm phán với mức lương cạnh tranh, từ khoảng 12 - 14 USD/giờ lao động. Mức lương đó chưa mang lại cuộc sống thoải mái cho tầng lớp trung lưu, nhưng còn tốt hơn nhiều so với cảnh thất nghiệp.
Hơn nữa, sự phát triển của tầng lớp trung lưu châu Á kéo theo nhu cầu gia tăng về các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ. Nhà kinh tế học Tyler Cowen mới đây cho rằng các đồ xuất khẩu hàng đầu hiện có của Mỹ như máy bay tư nhân, chất bán dẫn, ô tô, dược phẩm, máy móc, thiết bị, linh kiện ô tô, giải trí... đang trở thành nhu cầu “béo bở” ở các nước phát triển. Năm 2010, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 32%. Tỷ lệ này không tạo ra nhiều việc làm nhưng mang đến lợi nhuận lớn cho Mỹ.


Thứ hai, Mỹ có năng lượng. Dầu đá phiến và công nghệ tiên tiến khai thác loại dầu này cho phép Mỹ sở hữu nguồn dự trữ dầu thương mại làm giảm “cái bóng” dầu lửa Ảrập Xêút. Mặc dù công nghệ khai thác dầu đá phiến có những vấn đề riêng song đây vẫn là sự phát triển to lớn.


Thứ ba, vị thế của đồng USD như thứ tiền tệ dự trữ của cả thế giới và là tiền tệ chính trong giao dịch thương mại chưa bị đe dọa. Đồng euro, loại tiền duy nhất có thể cạnh tranh với đồng USD, đang bị lu mờ. Tình trạng này giúp Mỹ giành lợi thế. Một ngày nào đó, sức mạnh của đồng USD có thể giảm nhưng sẽ không kéo dài.
Thứ tư, Mỹ có chế độ liên bang cạnh tranh hiệu quả nhất so với bất cứ nước nào trên thế giới. Tiểu bang Wisconsin đã thông qua các luật quan hệ công nghiệp thực sự chặt chẽ, giúp cải thiện sản xuất và năng lực cạnh tranh. Có nhiều ý kiến muốn bãi miễn Thống đốc tiểu bang Wisconsin - một chính trị gia Cộng hòa theo hướng cải tổ. Tuy nhiên, cử tri tiểu bang Wisconsin đã chọn sự thay đổi tích cực. Đây chính là một trong những lợi thế cạnh tranh có sức mạnh nhất mà hệ thống chính trị Mỹ mang lại. Bang này buộc bang khác phải có chính sách tốt bằng việc đổi mới và thu hút đầu tư. Chế độ liên bang cạnh tranh đang có hiệu quả tại Mỹ.


Thứ năm, động lực nhân khẩu học cả về quy mô lẫn thành phần tại Mỹ mạnh hơn nhiều so với bất cứ quốc gia phát triển và đang phát triển nào khác trên thế giới. Dòng người nhập cư tiếp tục đổ vào Mỹ, kéo theo những khối óc tốt nhất thế giới, trong đó có nhiều tài năng Mỹ Latinh. Ngược lại, châu Âu có rất ít trường hợp nhập cư hợp pháp nằm ngoài khu vực. Tới năm 2050 hoặc sớm hơn, dân số Mỹ sẽ trẻ hơn dân số Trung Quốc. Đây là một nhân tố lớn giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Thứ sáu, Mỹ vẫn là trung tâm sáng tạo toàn cầu. Nước Mỹ có những trường đại học tốt nhất, các bằng sáng chế tốt nhất, các ngành công nghiệp giải trí và công nghệ thông tin phát triển nhất, ngân sách quốc phòng lớn nhất. Dù ngân sách quốc phòng giảm nhưng lợi thế tiếp tục tăng.


Thứ bảy, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một thỏa thuận về ngân sách có thể xảy ra. Dù ông Barack Obama hay ông Mitt Romney thắng cử thì bên thua cũng có sự khích lệ lớn để đồng ý thỏa hiệp về ngân sách. Mặc dù nợ lớn nhưng ngân sách Mỹ vẫn ít thảm hại hơn ngân sách châu Âu, bởi quy mô chính phủ Mỹ nhỏ hơn. Một vài biện pháp kiềm chế chi tiêu và tăng thu có thể giúp Mỹ giải quyết vấn đề ngân sách.


Bảy lý do trên là những nhân tố có sức nặng, chắc chắn giúp Mỹ thành công như các quốc gia khác. Mỹ luôn luôn mạnh khi vào đà hồi phục.

 

Võ Giang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN