Bảo vệ kho vũ khí hóa học của Syria - Sứ mệnh bất khả thi?

Theo các chuyên gia, sứ mệnh quân sự bảo vệ kho vũ khí hóa học của Syria sẽ cần tới một lực lượng quân đội lớn và có thể sẽ đối mặt với rủi ro cao. Kết quả của sứ mệnh này phụ thuộc vào chất lượng của tin tức tình báo phương Tây.

Trong khi chế độ Syria bị nghi ngờ sử dụng các chất hóa học để chống lại phe nổi dậy, các tướng lĩnh Mỹ và phương Tây đã dự trù một viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra mà ở đó, một lực lượng quốc tế sẽ tiến vào để vô hiệu hóa các vũ khí giết người. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm nắm kiểm soát các chất hóa học ở Syria sẽ phụ thuộc vào tin tức tình báo được thu thập bởi các lực lượng điệp viên nước ngoài hiện đang vất vả lần theo dấu vết kho vũ khí của chế độ Damacus.

Quân đội Syria bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào phe nổi dậy. Ảnh: euronews.


Phát biểu với hãng tin AFP, David Kay - nguyên thanh tra về vũ khí của Liên hợp quốc và hiện là nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Potomac - nói: "Nhiệm vụ đầu tiên đó là ta cần phải xác định kho vũ khí đó được đặt ở đâu. Các vũ khí được cất giữ ở đâu, các cơ sở sản xuất và cơ sở liên quan đến quá trình sản xuất được đặt ở đâu? Nhiệm vụ này có vẻ như rất hiển nhiên nhưng không hề dễ dàng". Syria được cho rằng đang sở hữu hàng trăm tấn chất hóa học như khí độc sarin, khí VX và khí mustard song chi tiết cụ thể về kho vũ khí đó vẫn là ẩn số.

Các nhà phân tích cho rằng để kiểm soát các vũ khí đó, Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ phải cử phái đoàn bao gồm đội ngũ chuyên gia về kỹ thuật, các đơn vị đặc biệt và một lực lượng quân đội lớn sử dụng vũ khí thường (gồm khoảng hàng chục nghìn quân) tới Syria để chiếm giữ và bảo vệ các cơ sở hóa học. Nhà nghiên cứu Kay nói: "Thậm chí trong điều kiện thuận lợi nhất thì đây vẫn là nỗ lực đòi hỏi rất nhiều nhân lực bởi chúng ta phải bao vây các cơ sở này 24/7 và đảm bảo rằng những người khác không thể tiến vào trong đó". Lực lượng can thiệp sẽ phải mở các cuộc đột kích để phá hủy hàng phòng thủ trên không như một bước tiến ban đầu và cũng có thể sẽ phải nhắm mục tiêu đến một số kho vũ khí mà các lực lượng trên bộ không thể chiếm giữ. Michael Eisenstadt - nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Học viện Washington - nói: "Sẽ có thể có một số cơ sở nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta mà chúng ta sẽ phải tiến hành không kích để phá hủy chúng".

Tại các cơ sở đã được các lực lượng mặt đất chiếm giữ, quân lính cần phải canh gác trong khi các chuyên gia về vũ khí - với trang phục bảo hộ và sử dụng thiết bị y tế đặc biệt - sẽ ghi chép cụ thể và vô hiệu hóa các chất hóa học và đạn dược. Theo nhà nghiên cứu Kay, các chuyên gia về vũ khí có thể sẽ phải tiêu hủy các chất ảnh hưởng tới thần kinh hoặc các khí gây chết người tại cơ sở đó bởi việc vận chuyển chúng sẽ vô cùng nguy hiểm. Bởi không có sẵn các lò thiêu đặc biệt, các chất gây chết người có thể sẽ được đặt trong hố vôi và được tiêu hủy cùng các chất hóa học khác, giảm thiểu độc tính xuống mức độ tương đương với chất thải công nghiệp.

Theo nhà nghiên cứu Eisenstadt, có thể sẽ mất "vài tuần hoặc thậm chí vài tháng" để tiến hành quy trình đòi hỏi rất nhiều công sức này. Lực lượng can thiệp cũng cần phá hủy các tên lửa, các quả bom sử dụng trên không và đạn pháo có sử dụng các chất hóa học, việc này có thể sẽ cần đến một đợt các cuộc không kích.

Ông Eisenstadt cũng cho rằng một phần của kho vũ khí có thể sẽ bị "chôn vùi" bởi các cuộc ném bom phá hủy boongke. Ông nói: "Chúng tôi đã phát triển một loạt các loại đạn dược có thể được sử dụng cho sứ mệnh này". Quân đội Mỹ hiện sở hữu bom BLU-119/B được chế tạo đặc biệt cho việc tiêu hủy các chất hóa học, mặc dù vậy, Lầu Năm góc chưa bao giờ tiết lộ về kết quả cuộc thử nghiệm.

Các cuộc không kích cũng sẽ được tiến hành để ngăn chặn kẻ địch tiếp cận cơ sở vũ khí hóa học, tuy vậy, bất kỳ nỗ lực nào nhằm ném bom từ trên không sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Một tin tức tình báo sai lệch hoặc một sai lầm trong cuộc không kích có thể khiến giải phóng các chất hóa học, đe dọa mạng sống dân thường. Việc cố gắng bảo vệ kho vũ khí hóa học sẽ là một nhiệm vụ chưa từng có, chứa đựng đầy nguy hiểm và bất ổn mà nhiều người đã gọi nó bằng cái tên "nhiệm vụ bất khả thi". Các nhà phân tích cho rằng thậm chí nếu chiến dịch phần lớn diễn ra theo kế hoạch thì vẫn có thể sẽ có một phần của kho vũ khí rơi vào tay kẻ xấu. Theo nhà nghiên cứu Kay, nhiệm vụ này là vô cùng "khó khăn" và "không có một sự lựa chọn thích hợp".


TTXVN/Tin tức
Israel ném bom trung tâm quân sự Syria?
Israel ném bom trung tâm quân sự Syria?

Sáng nay, Israel đã tiến hành một đợt không kích nhằm vào một trung tâm nghiên cứu quân sự ở ngoại ô thủ đô Damascus. Khu ngoại ô Jamraya rung chuyển bởi những tiếng nổ và có thể đã có một số thương vong.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN