Bạo lực liên tiếp ở Đức thổi bùng lại tranh cãi nhập cư

3 vụ tấn công liên tiếp chỉ trong 1 tuần tại châu Âu đã thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi về vấn đề người di cư ở Đức sau một thời gian tạm lắng dịu.

Người dân được sơ tán khỏi hiện trường vụ xả súng ở Munich tối 22/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Đức đã xác nhận hung thủ xả súng làm 9 người thiệt mạng và 27 người bị thương ở Munich ngày 22/7 vừa qua là một thanh niên 18 tuổi người Đức gốc Iran (sinh ra và lớn lên ở Đức). Vụ xả súng diễn ra ngay sau vụ một thiếu niên cầm rìu tấn công hành khách trên một chiếc xe lửa ở Wuerzburg hôm 19/7 và là vụ thứ ba ở châu Âu chỉ trong vòng 1 tuần. Theo bài viết trên trang mạng của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor", tuy 3 kẻ phạm tội có phương pháp gây án và động cơ hoàn toàn khác nhau, song tất cả những vụ việc này sẽ thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi về vấn đề người di cư ở Đức sau một thời gian tạm lắng dịu.

Trong nửa cuối năm 2015, quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến làn sóng người di cư ồ ạt đến Đức. Mặc dù người dân Đức ban đầu hoan nghênh quyết định của bà Merkel, song sau đó nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị của việc tiếp nhận hàng nghìn người di cư. Điều này gây phương hại tới uy tín của Chính phủ Đức và làm dấy lên căng thẳng trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel. Cuộc khủng hoảng người di cư còn giúp cho đảng Sự lựa chọn cho nước Đức- đảng phản đối người nhập cư- tăng vọt uy tín. Đáp lại, bà Merkel siết chặt các quy định về xin tị nạn vào Đức, chấp nhận áp dụng các biện pháp kiểm soát đường biên giới dọc tuyến đường di cư từ Balkan và ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế số người vào Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù "Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ" gây nhiều tranh cãi, song văn kiện này sau khi có hiệu lực vào cuối tháng 3 vừa qua đã góp phần chặn được làn sóng người di cư đổ vào châu Âu.

Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua sẽ kích động những người phản đối bà Merkel. Kẻ tấn công ở Wuerzburg là một thiếu niên tị nạn, và các lực lượng chính trị sẽ viện dẫn vụ việc này để chứng tỏ rằng người nhập cư là mối đe dọa đối với nước Đức. Mặt khác, giới chức Đức xem ra đã làm cho sự việc thêm phức tạp bởi kẻ tấn công (đăng ký là người tị nạn Afghanistan) nhưng giới chức nước này lại nói rằng "có thể thiếu niên này đến từ Pakistan". Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về khả năng của giới chức Đức trong việc đăng ký và quản lý người di cư. Trong vụ việc ở Munich, mặc dù kẻ xả súng không phải là người tị nạn, song gốc gác Iran của nghi can này khiến tâm lý chống Hồi giáo ở Đức tăng thêm. Trong các năm 2014 và 2015, tổ chức Pegida chống đạo Hồi đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở Dresden và một số thành phố khác tại Đức. Hồi đầu tháng, tổ chức này tuyên bố kế hoạch trở thành một chính đảng và ủng hộ đảng Sự lựa chọn cho nước Đức. Theo số liệu của giới chức Đức, trong năm 2015 đã xảy ra 1.029 vụ tấn công nhằm vào các khu trại của người di cư, tăng so với con số 199 hồi năm 2014. Riêng trong quý I/2016 đã xảy ra gần 300 vụ tấn công vào các trại người di cư.

Thủ tướng Đức luôn bị chỉ trích vì chính sách mở rộng cửa đón nhận người nhập cư.

Mặc dù kế hoạch chặn đứng làn sóng người di cư của Chính phủ Đức được đánh giá là "về cơ bản đã thành công" song hiện lại đang có nguy cơ phá sản. Những thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thanh lọc người xin tị nạn phụ thuộc vào những yêu sách của Ankara đối với ngân sách của EU, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên và việc bãi bỏ thị thực. Tuy nhiên, cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã dẫn đến việc Ankara đàn áp phe đối lập, và làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các thành viên EU. Berlin hiện đang ở vào tình thế khó xử, vừa phải lên tiếng cảnh báo về pháp trị ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa phải kêu gọi nước này tôn trọng thỏa thuận về người nhập cư. Nghị viện châu Âu và các thành viên châu Âu sẽ lại tranh cãi về vấn đề này vào đầu tháng 9 tới, và Chính phủ Đức sẽ khó có thể thuyết phục được họ đồng ý duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Đức, các cuộc bầu cử khu vực diễn ra vào ngày 4/9 tới ở Mecklenburg-Vorpommern và ở Berlin ngày 18/9 sẽ là thước đo uy tín của liên minh cầm quyền trung hữu và trung tả, cũng như hoạt động của đảng Sự lựa chọn cho nước Đức. Nếu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel nhận được số phiếu thấp, thủ tướng sẽ bị gây áp lực lớn hơn và buộc phải có chính sách cứng rắn hơn đối với người nhập cư. Thành tích bầu cử yếu kém của đảng cầm quyền cũng sẽ ảnh hưởng tới cách thức nước Đức giải quyết những vấn đề khác nữa trong bối cảnh nước này vốn đã bất đồng với các quốc gia Nam Âu như Pháp và Italy xung quanh cách thức quản lý khu vực đồng euro. Trong bối cảnh các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra trên toàn châu Âu, các quốc gia thành viên EU sẽ có thêm động lực để tăng cường hợp tác trong các vấn đề an ninh mặc dù triển vọng ra đời một liên minh an ninh chung vẫn còn xa vời.

TTXVN/Tin Tức
Không loại trừ vụ nổ bom ở Đức là hành động khủng bố
Không loại trừ vụ nổ bom ở Đức là hành động khủng bố

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern cho rằng không thể loại trừ khả năng vụ nổ ở thành phố Ansbach là một vụ tấn công khủng bố liên quan tới Hồi giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN