Bắc Cực liệu có là chiến trường của Chiến tranh Lạnh mới?

Căng thẳng chưa có lối thoát của khủng hoảng Ukraine đang đặt ra câu hỏi liệu Bắc Cực có nổi lên là cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga?

Chú thích ảnh
Ngày càng có nhiều nước quan tâm tới lợi ích chiến lược tại Bắc Cực.  Ảnh: MD

Có thể xem kỷ nguyên đương đại là giai đoạn mà ở đó cạnh tranh giữa các cường quốc không lấn lướt yếu tố cùng tồn tại, hợp tác mà ở đó ổn định là quy tắc chi phối phổ quát. Khủng hoảng Ukraine khởi nguồn từ năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, khi xuất hiện leo thang đối đầu giữa Nga và phương Tây.

Tình hình Ukraine nổi lên là một trở ngại chính cho quan hệ hòa bình giữa các cường quốc, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu xu hướng va chạm, đối đầu có tạo ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh" mới ở Bắc Cực. Mấu chốt của vấn đề nằm ở việc Bắc Cực đều tiếp giáp gần với lãnh thổ của Nga và Mỹ. Căng thẳng cũng nóng lên bởi các hệ thống vũ khí mà hai bên triển khai từ Bắc Cực, khi nơi đây đây là cứ điểm tốt nhất để mỗi bên mở các đòn tấn công nhằm vào đối phương.

Với tầm quan trọng chiến lược như nêu ở trên, Bắc Cực đang là điểm thảo luận trung tâm trong quan hệ quốc tế. Tình hình còn phức tạp thêm khi Bắc Kinh gần đây cũng tuyên bố Trung Quốc là “quốc gia Cận Cực”. Washington coi đây là thách thức đối với vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ và cuộc cạnh tranh tại Bắc Cực từ thế hai cực chuyển sang thế kiềng ba chân.

Biến đổi khí hậu là một tác nhân khiến quan hệ Nga-Mỹ thêm xấu đi. Tình trạng băng tan nhanh ở Bắc Cực do hiệu ứng trái đất nóng lên mở ra tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất này. Bắc Cực là nơi duy nhất Nga đặt đơn vị răn đe nhân, với tầm hoạt động của máy bay ném bom tầm xa cùng lực lượng tàu ngầm.

Nga cũng đang lên kế hoạch triển khai thêm lực lượng tới Bắc Cực để hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở đã thiết lập từ lâu. Điều này thôi thúc Mỹ phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa có thể tiếp cận dễ dàng Bắc Cực, nhằm vào các mục tiêu có từ thời Liên Xô. Hơn thế, cả Mỹ và Nga cũng tăng cường triển khai các hệ thống giám sát để cảnh báo sớm về một đòn tấn công từ đối phương.

Đây chính là viễn cảnh trước khi Chiến tranh Lạnh xuất hiện. Giờ đây, biến đổi khí hậu nổi lên là sân khấu trung tâm. Bắc Cực đang thu hút sự chú ý đặc biệt của các chiến lược gia toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã mở ra các tuyến đường hàng hải mới, khi việc di chuyển qua Bắc Cực dễ dàng hơn trước, cùng với đó là cơ hội tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên dưới biển. Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc chay đua ở Bắc Cực có dẫn tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và Mỹ?

Chú thích ảnh
Binh sĩ và xe quân sự Nga được triển khai tại Bắc cực. Ảnh: Scanpix

Năng lượng và tài nguyên: Chưa có dữ liệu chính xác về nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực. Mỹ ước tính kiểm soát khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ cùng nhiều mỏ khí đốt lớn chưa được chưa được khai phá của thế giới nằm ở các vùng biển băng giá. Ngoài dầu mỏ, khí đốt, Bắc Cực cũng có nhiều tài nguyên quý như quặng nickel, vàng, đất hiếm, quặng tungsten (wolfram). Theo các tài liệu chính thức đã được công bố, Bắc Cực chiếm khoảng 30% trữ lượng khí đốt và đất hiếm trên toàn thế giới, với giá trị lên đến hơn 1.000 tỉ USD.

Logistic: Trong kỉ nguyên hiện đại, thông tin và ngành logistic thậm chí còn quan trọng hơn cả tài nguyên thô. Hiện có hai tuyến đường biển xuyên đại dương chạy qua Bắc Cực, đó là tuyến đường biển Phương Bắc (NSR) và Hành lang Tây-Bắc (NWP) - hai tuyến hàng hải kết nối, thông thương giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.  

Các chuyên gia dự báo với tốc độ băng tan như hiện nay, đến cuối thế kỷ này Bắc Cực sẽ gần như không còn băng. Điều này đồng nghĩa với việc tàu chở hàng có thể hoạt động trên tuyến NSR và NWP quanh năm mà không bị gián đoạn. Sau sự cố tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez (3/2021), giới chức Nga nhiều lần lên tiếng quảng bá cho tuyến NSR, coi đây là hành lang vận tải giữa Châu Á và châu Âu thay thế cho kênh Suez. Phía Nga cho rằng NSR giúp rút ngắn hơn 40% quãng đường, thời gian di chuyển nhanh hơn 7 ngày so với hành trình qua kênh đào Suez.

Tám nước thành viên thuộc Hội đồng Bắc Cực đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Nhưng chỉ có 6 nước trong số này được hưởng quy chế duyên hải Bắc Cực, đó là Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Hai nước khác có lãnh thổ ở vùng cực này, nhưng không có duyên hải Bắc Cực, đó là trường hợp của Thụy Điển và Phần Lan.

Gần đây, nhiều nước nằm xa Bắc Cực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vùng đất băng giá này. Trung Quốc và Hàn Quốc đi đầu trong triển khai các trương trình nghiên cứu khoa học về Bắc Cực, tham gia vào dự án khai thác khí hóa lỏng của Nga ở vùng cực này. Nhiều công ty vận tải biển châu Á lên kế hoạch sử dụng tuyến đường biển NSR.

Tất cả những điều đó đều cho thấy một thực tế: Bắc Cực đang có được sự chú ý lớn từ rất nhiều nước, có thể là vì nguồn lợi dầu mỏ, khí đốt, tài nguyên thiên nhiên hoặc các tuyến đường biển kết nối liên châu lục.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Moderndiplomacy)
Hải quân Nga diễn tập ở vùng biển Bắc Cực
Hải quân Nga diễn tập ở vùng biển Bắc Cực

Ngày 26/1, Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga thông báo các tàu chiến nước này đã tiến vào vùng Biển Barents để diễn tập bảo vệ một tuyến vận tải biển lớn. Động thái trên nằm trong hoạt động diễn tập quân sự liên quan đến tất cả các hạm đội của Hải quân Nga đã được Moskva thông báo trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN