Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 12/2, các lực lượng NATO đang chuẩn bị cho cuộc tập trận mang tên "Phản ứng Lạnh 2012" với sự tham gia của hơn 16.000 quân cùng tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Đan Mạch, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Thụy Điển.
Các thành viên NATO và Thụy Điển - nước trung lập - đang hợp tác tại Bắc Cực để đối phó với các hoạt động ngày càng tăng của Nga. Định dạng của cuộc tập trận NATO - Thụy Điển lại một lần nữa chứng minh rằng Bắc Cực có lẽ là khu vực duy nhất mà sự liên kết chính trị không thay đổi so với thời Chiến tranh Lạnh, tức là Nga đang phải đối đầu với các nước khác.
Cuộc tập trận của NATO sẽ diễn ra từ ngày 12 - 21/3 tới nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hải quân, không quân, các đơn vị đặc nhiệm và thủy quân lục chiến trong các điều kiện tại Bắc Cực. Theo các tin tức chính thức, trọng tâm của cuộc tập trận là thực hành những hành động, kết hợp các đề nghị ngoại giao với một phản ứng quân sự có liên quan đến rủi ro cao của một cuộc xung đột. Một mục tiêu khác của cuộc tập trận là thiết lập sự hợp tác quân sự giữa các nước khác nhau. Cuộc tập trận đã được chuẩn bị trong nhiều tháng. Tàu khu trục chở trực thăng Illustrious của Hải quân Anh đã rời cảng Portsmouth để đến khu vực tập trận. Tàu này chở theo 42 lính thủy đánh bộ đặc nhiệm Hoàng gia, máy bay trực thăng hải quân Sea King và Lynx và máy bay trực thăng quân sự Apache.
Các hoạt động của NATO sẽ không hạn chế ở các cuộc tập trận trong lãnh hải Na Uy. Cuộc tập trận "Mũi nhọn Bắc Cực" (Arctic Ram) sẽ diễn ra tại khu vực Bắc Cực của Canađa trong các ngày 14 - 26/2, trước khi cuộc tập trận "Phản ứng Lạnh 2012" bắt đầu. Theo Bộ Quốc phòng Canađa, mục tiêu của cuộc tập trận này là giúp các quân nhân nước này làm quen với việc tác chiến tại Bắc Cực, cũng như thử nghiệm khả năng hoạt động của Lữ đoàn cơ giới số 1 của Canađa trong các điều kiện mùa đông.
Một loạt cuộc tập trận của NATO tại Bắc Cực không thể được coi là sự trùng hợp, nhất là khi tính tới sự nối lại các hoạt động của Nga trong khu vực. Những tàu chiến mới đang nằm ở nhà máy đóng tàu miền bắc ngày 1/2 vừa qua là những "viên gạch đầu tiên" trong việc đổi mới Hạm đội Biển Bắc của Nga. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hai máy bay đổ bộ lớp Mistral sẽ được đưa tới miền bắc sau khi chúng được sản xuất theo giấy phép của Pháp. Nga dự định tăng cường các lực lượng của họ tại Bắc Cực, trang bị lại các tàu ngầm cũ và sản xuất các tàu ngầm mới. Hơn nữa, giới kinh doanh và nhà nước Nga đang tăng cường các hoạt động kinh tế tại Bắc Cực. Hiện nay, một số chương trình đã được thiết kế để khôi phục cơ sở hạ tầng trong khu vực, tăng cường các hoạt động khai mỏ, khôi phục các tàu thương mại và tàu phá băng.
Tài nguyên chủ chốt của Bắc Cực là Tuyến đường Biển Bắc, tuyến đường ngắn nhất giữa các cảng Tây Âu và Đông Á. Việc lớp băng bề mặt Bắc Cực tan chảy, dẫn tới khả năng khai thác Tuyến đường Biển Bắc tăng lên, đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các chủ tàu. Trong các điều kiện hiện nay, Bắc Cực đang trở thành một cầu nối giữa hai bán cầu, giúp làm giảm đáng kể chi phí giao thông. Đó chính là nơi mà lợi ích của các quốc gia Bắc Cực và các nước phía nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc gặp nhau.
Đối với Nga, Bắc Cực là chìa khóa cho sự phồn vinh tương lai. Số tiền thu được từ Tuyến đường Biển Bắc, các tàu nước ngoài ghé các cảng của Nga, hoạt động của các tàu phá băng và việc khai thác nguyên liệu thô có thể mang lại những mối lợi lớn cho Nga.
Tuy nhiên, người ta không thể loại bỏ khả năng va chạm lợi ích của Nga và NATO tại Bắc Cực vì nhiều vấn đề lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết và giá trị quân sự của Bắc Cực là vô giá. Nga cần tăng cường sự có mặt quân sự tại Bắc Cực, khả năng phản ứng quân sự với bất kỳ vi phạm lợi ích nào của mình và có nhiều cách phản ứng. Nếu không, chỉ những xung đột nhỏ như tranh chấp về những bãi cá cũng sẽ khiến Nga phải nhượng bộ. Hơn nữa, người ta không thể dùng vũ khí hạt nhân để giải quyết những tranh chấp tại Bắc Cực.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)