Ngày 28/5, Thủ tướng Anh David Cameron đã triệu tập các nhà hoạch định chính sách hàng đầu để thảo luận kế hoạch dự phòng ứng phó với khả năng sụp đổ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào thời điểm lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha đã tiến gần đến vùng nguy hiểm.
Trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Tây Ban Nha và bất ổn định tài chính ở Hy Lạp, Thủ tướng Cameron và các quan chức chính phủ cấp cao đã gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mervyn King và Lord Turner, nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Khu tài chính Luân Đôn, để bàn về các biện pháp đối phó với tình hình đang ngày một xấu đi. Theo thông báo của văn phòng chính phủ, mục đích của cuộc họp là “để đảm bảo cho nước Anh sẵn sàng đối phó với tình hình khu vực Eurozone và các vấn đề phát sinh”.
Các bác sĩ và y tá Hy Lạp xếp hàng chờ thông tin tuyển dụng lao động tại các bệnh viện của Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Các nhà đầu tư lo ngại kế hoạch 19 tỷ euro để cứu ngân hàng Bankia, một trong những ngân hàng lớn ở Tây Ban Nha, đã làm cho chi phí vay mượn của nước này với Đức đã lên đến mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Trong Khu tài chính Luân Đôn, các ngân hàng được thông báo chuẩn bị các kịch bản tài chính và pháp lý khác nhau - từ việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone cho đến việc vỡ nợ của chính phủ.
Các bộ trong chính phủ cũng lên kế hoạch dự phòng riêng của từng lĩnh vực. Bộ Ngoại giao Anh sẽ xem xét các biện pháp để giúp đỡ các công dân Anh đi du lịch ở Hy Lạp nếu các điểm rút tiền hết tiền, hoặc họ bị mắc kẹt trên các đảo của Hy Lạp. Trước đó Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư khẩn cấp để hạn chế nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước Liên minh châu Âu khác vào Anh trong trường hợp đồng euro sụp đổ.
Kinh tế Anh hiện đang gặp khó khăn với mức giảm GDP 0,3% trong quí I/2012, triển vọng xấu hơn nhiều so với dự đoán. Hôm 15/5, BoE đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong hai năm tới. Đồng thời BoE cũng dự báo rằng lạm phát sẽ không giảm nhanh như kỳ vọng mà nguyên nhân chủ yếu là do mối đe dọa tiếp tục từ cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone.
Thống đốc Mervyn King cho biết BoE đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2012 từ 1,2% xuống còn 0,8% và từ 3% xuống 2% trong năm 2013. Thống đốc King thừa nhận “tình hình bất ổn tại Eurozone là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Anh”.
Các ngân hàng châu Âu lao đao
Trong lúc này, các ngân hàng Tây Ban Nha và Hy Lạp tiếp tục lao đao. Hội đồng quản trị của Bankia, ngân hàng lớn thứ tư đang lún sâu trong nợ nần của Tây Ban Nha, mới đây đã giải thích lý do Bankia đang cần tới 19 tỷ euro từ các khoản vay cứu trợ của chính phủ. Ngân hàng này không tránh khỏi một kế hoạch tái cơ cấu sau khi chính họ tiết lộ các khoản lỗ tới 2,98 tỷ euro vào năm 2011.
Hoạt động kinh doanh cổ phiếu bên trong Bankia đã bị thị trường chứng khoán Mađrít đình chỉ vào ngày 25/5 và Bankia hiện đã bị quốc hữu hóa một phần. Châu Âu đang theo dõi chặt chẽ lĩnh vực ngân hàng ở khu vực này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Các ngân hàng Tây Ban Nha, vốn cho vay mượn rất nhiều trong giai đoạn bong bóng bất động sản, được coi là đang bị lung lay mạnh mẽ khi đang nắm giữ một số lượng khổng lồ các khoản đầu tư xấu.
Nhiều thông tin nói rằng gói cứu trợ của Bankia sẽ là lớn nhất thuộc loại này trong lịch sử Tây Ban Nha. Ngày 25/5, Chủ tịch Bankia, ông Jose Ignacio Goirigolzarri đã cố gắng trấn an giới quan sát, nói rằng gói cứu trợ sẽ tăng cường “khả năng thanh toán, thanh khoản và độ bền vững của ngân hàng”. Bình luận của ông đưa ra sau khi Bankia tái trình bày kết quả kinh doanh cho hay họ bị lỗ 2,98 tỷ euro cho năm 2011, thay vì lãi 309 triệu euro như ngân hàng này công bố vào tháng 2 vừa qua và yêu cầu trợ giúp từ quỹ cứu trợ cho ngân hàng Tây Ban Nha (FROB).
Cùng ngày, cơ quan Standard and Poor (S & P) đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Bankia, cùng với bốn nhà cho vay khác, xuống tình trạng rất xấu. Hai tuần trước, chính phủ Tây Ban Nha đã can thiệp và trao cho Bankia một khoản vay trị giá 4,47 tỷ euro. Bankia đã trấn an những người gửi tiết kiệm vào tuần trước rằng tiền của họ đã an toàn sau khi một tờ báo Tây Ban Nha đưa tin ngân hàng này gặp thêm khó khăn.
Bankia được lập ra năm 2010 từ sự hợp nhất của 7 ngân hàng tín dụng gặp khó khăn. Ngày 24/5, giá cổ phiếu của Bankia giảm 7,4% khi đóng cửa ở mức 1,57 euro/cổ phiếu, giảm 58% so với giá niêm yết trong tháng 7/2011.
Ngân Bình