Anh chao đảo do “cơn địa chấn” UKIP

Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) vừa gây ra "cơn địa chấn" mạnh mẽ trên chính trường nước này sau khi vươn lên giành chiến thắng quan trọng tại cuộc bầu cử địa phương nhờ chính sách dân túy được cử tri đảo quốc hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, theo Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh), những gì UKIP vừa giành được mới chỉ là dấu hiệu báo trước về một giai đoạn bất ổn trên chính trường nước Anh trong tương lai gần.

 

Lãnh đạo UKIP Nigel Farage (thứ 2, trái) vui mừng trước kết quả bầu cử ngày 25/5.


Kết quả sơ bộ cho thấy UKIP - với quan điểm chống Liên minh châu Âu (EU), chống nhập cư - đã chiếm thế thượng phong tại cuộc bầu cử ngày 22/5 vừa qua, với trên 150 ghế giành được từ tay đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập trong khi đảng Dân chủ Tự do tham gia chính phủ liên minh hiện nay phải chấp nhận thất bại nặng nề.


Mặc dù chưa chắc đã nắm quyền kiểm soát tại một hội đồng địa phương nào, nhưng rõ ràng UKIP đã trở thành bên chiến thắng. Trước bầu cử, UKIP và nhà lãnh đạo của đảng này - ông Nigel Farage - đã thống trị truyền thông Anh. Phần lớn các tin bài về UKIP và ông Farage lại mang tính tiêu cực, xoáy sâu vào việc đảng này chưa có một cương lĩnh đầy đủ và rõ ràng về chính sách. Theo truyền thông Anh, UKIP mới chỉ dựa vào tiểu sử và uy tín cá nhân của ông Nigel Farage.


Tuy nhiên, điều này chẳng mấy ảnh hưởng đến UKIP. Trái lại, truyền thông và các đối thủ chính trị lại trở thành "động lực", giúp UKIP phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra đồng thời với bầu cử địa phương ở Anh. Điều chắc chắn là UKIP có kết quả tốt ở cả hai cuộc bầu cử. Mặc dù vậy, kết quả bầu cử địa phương mới là điều mà UKIP hướng tới nhằm tạo ra bước ngoặt quan trọng trên chính trường nước Anh. Sự hiện diện về chính trị ngày càng sâu rộng ở cấp chính quyền địa phương sẽ là điều kiện mang tính sống còn, giúp UKIP vươn lên tầm cỡ quốc gia.


Kết quả bầu cử địa phương cũng như Nghị viện châu Âu năm 2014 rốt cuộc sẽ là dấu hiệu báo trước cho một giai đoạn bất ổn trên chính trường nước Anh. Nó càng củng cố thêm dự báo của EIU về khả năng nước Anh sẽ có một quốc hội "treo", bởi không có chính đảng nào giành đủ đa số ghế để tự mình đứng ra thành lập chính phủ. Dường như đó sẽ là kết quả của cuộc tổng tuyển cử năm 2015 ở Anh. Công đảng vừa qua cũng đã giành được lợi thế nào đó, nhưng chưa đủ để nuôi hy vọng về một chính phủ trong tương lai. Tương tự như vậy, Bảo thủ cũng không thể hiện được sức mạnh cần thiết, giúp người ủng hộ đảng này thấy yên tâm trước tổng tuyển cử.


Thời gian tới, cả đảng Bảo thủ, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do sẽ tiếp tục cạnh tranh lẫn nhau để lấy lại những gì đã mất vào tay UKIP. Trên thực tế, cả ba đảng này đã đánh mất sự ủng hộ của cử tri bởi chính sách xa rời cuộc sống và không giải quyết được những lo toan của người dân. Điều này lý giải tại sao gần đây, cả Bảo thủ và Công đảng đều tập trung vào những mảng chính sách gắn với dân sinh để tháo gỡ hàng loạt vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, điều này càng khiến cử tri hoài nghi bởi nghĩ rằng đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm kiếm phiếu cử tri trước bầu cử.


Từ nay đến tổng tuyển cử, UKIP chắc chắn vẫn sẽ là tâm điểm trong đời sống chính trị nước Anh. Tám năm trước đây, ông David Cameron - Thủ tướng đương nhiệm - có thể chẳng cần phải chú ý đến những thành viên UKIP, nhưng giờ đây, mọi việc đã thay đổi. Mặc dù còn mỏng về nhân sự và chưa gây ấn tượng mạnh về chính sách, nhưng UKIP đã giành được một vị thế khá nghiêm túc trên chính trường nước Anh. Tháng 9/2014, Scotland sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Vương quốc Anh. Và nếu có thể tái cử vào năm 2015, ông Cameron sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước Anh vào năm 2017. Chính trường Anh chắc hẳn còn ẩn chứa nhiều yếu tố gây bất ngờ sau "cơn địa chấn" mang tên UKIP.


Lê Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN