Ai sẽ đại bại ở Ukraine?

Mặc dù ngày trưng cầu dân ý của CH tự trị Crimea (Crưm) vẫn chưa diễn ra, nhưng có vẻ như kết quả của nó đã có thể dự báo trước: Crimea sẽ bỏ phiếu chọn Nga và căng thẳng sẽ chỉ có con đường duy nhất là tiếp tục leo thang. Câu hỏi được đặt ra lúc này: ai là người thua cuộc sau tất cả mọi chuyện?

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là ai sẽ là người thua thiệt nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine.


Mỹ đã sai?

Nếu mục tiêu số một của nước Mỹ là giữ cho tình trạng bạo loạn ở Ukraine và căng thẳng giữa các trung tâm quyền lực phía ngoài ở mức độ thấp nhất, hẳn nhiên quốc gia này đã đi sai một loạt nước cờ. Mỹ đã thất bại trong việc hỗ trợ kinh tế cho chính phủ Ukraine một cách thật sự trước khi mọi chuyện tại đây đạt mức cực điểm. Trong khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich bấy giờ cố gắng xoay sở để cân bằng mối quan hệ với Nga và Liên minh châu Âu (EU) thì EU lại gây sức ép quá lớn, còn Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) lại không có vẻ sẽ xuất hiện kịp thời. Thiếu sự ủng hộ từ phương Tây, ông Yanukovich bị đẩy về phía Nga, đủ xa để những cuộc biểu tình ở Kiev không còn đường quay lại.

Ngày 21/2, những nhân vật chủ chốt phe đối lập Ukraine và Tổng thống Yanukovich đã kí một thỏa thuận cùng với một nhóm các ngoại trưởng của EU, chỉ để không lâu sau đó thỏa thuận này đổ vỡ và ông Yanukovich phải tháo chạy. Trước tình hình đó, Mỹ đã phạm phải sai lầm khi không ngại ngần “phủi tay” với chính quyền ủng hộ phương Tây ở Kiev. Washington đã có thể công khai hối thúc các bên chí ít phải tôn trọng thỏa thuận, qua đó giúp Mỹ chuyển tới Nga thông điệp nước này tôn trọng những lợi ích của Nga. Mỹ cũng đã có thể thuyết phục chính phủ mới của Ukraine phải tôn trọng những lợi ích hợp pháp của Nga ở Ukraine và tôn trọng hợp đồng căn cứ quân sự thiêng liêng của Nga ở Crimea. Nhưng thay vào đó, Mỹ lại thể hiện sự ủng hộ mang tính bề nổi cho chính phủ mới nghiêng về phương Tây của Ukraine.

Khi mọi chuyện rõ ràng rằng Nga sắp có động thái quân sự tại Crimea, chính quyền Obama lại hùng hổ đe dọa, cảnh báo sẽ có “những cái giá cho bất kì sự can thiệp quân sự nào tại Ukraine”. Tuy vậy, việc Mỹ dừng lại ở những đe dọa "võ mồm" chỉ khiến Tổng thống Nga Putin càng quyết tâm hành động tại Ukraine.

Ngày mai cho Nga?

Ngoài vấn đề biên giới Nga thì ưu tiên hàng đầu, duy nhất của ông Putin là duy trì ảnh hưởng của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chơi của Nga tại Ukraine lại đang ngày càng trở nên nguy hiểm, bởi nước này đang ở trong thế có thể mất nhiều hơn nữa.

Sau động thái quân sự của Nga tại Crimea, đồng ruble lâm vào tình trạng rơi tuột phanh, tình huống buộc Ngân hàng trung ương Nga phải nâng cao lãi suất cơ bản một cách đáng kể. Thiệt hại mỗi ngày của thị trường cổ phiếu Nga đã vượt quá những chi phí khổng lồ của Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Những diễn biến trên sẽ chỉ đẩy nhanh sự giảm sút của nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng.

Chỉ ba tháng trước, Tổng thống Putin vẫn còn “tai mắt” trong một chính phủ Ukraine ngả về phía Nga. Giờ đây, ông có… Crimea. Nhưng kiểm soát Crimea đồng nghĩa với việc 1,5 triệu cử tri ủng hộ Nga sẽ không còn là một phần của cử tri Ukraine. Và dù ít dù nhiều, sự hiện diện của quân đội Nga tại Crimea cũng có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri Ukraine trong cuộc bầu cử tới. Ukraine có thể sẽ có chính phủ mới nghiêng về phương Tây, dẫn đến việc hội nhập vào Liên minh Hải quan châu Âu và cuối cùng có thể trở thành thành viên của EU.

Ukraine đại bại?

Nếu khả năng Nga đưa quân vào đông Ukraine thực sự xảy ra, tất cả các bên đều thua cuộc. Một cuộc nội chiến ở Ukraine có thể bùng nổ, thị trường biến động theo chiều hướng tê liệt, chấn động địa chính trị diễn ra một cách cực đoan cùng những hậu quả không thể lường trước. Nhưng ngay cả khi Nga không có những biện pháp mạnh tay hơn so với hiện nay, tương lai dài hạn phía trước của người dân Ukraine cũng không có nhiều hứa hẹn. Trong kịch bản tốt nhất mà người dân Ukraine có thể nghĩ đến, họ sẽ có tiền để xử lý nợ nần nhưng mất đi nguồn hỗ trợ khí đốt từ Nga. Nền kinh tế Ukraine sẽ như một cái xác tàu và vì những lí do kinh tế, Ukraine sẽ phải nghĩ đến việc tiếp tục cộng tác với Nga, một chiến lược sẽ là điều không thể vì những lí do chính trị. Trong ngắn hạn, Ukraine cuối cùng vẫn trở về là “nồi canh trên bếp”, chỉ có điều nước canh sẽ nóng bỏng hơn.

Kịch bản trên dẫn tới các giả định phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine cả về ngoại giao và kinh tế. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi căng thẳng toàn cầu leo thang và truyền thông quốc tế đổi hướng? Liệu những nỗ lực ngoại giao của phương Tây cũng sẽ rời đi theo? Liệu nước Mỹ và châu Âu đã chuẩn bị để trợ lực cho một nền kinh tế Ukraine trong tình trạng rơi tự do khi mà chính họ cũng đang phải xử lí những vấn đề kinh tế nảy sinh ngay tại sân nhà?

Người dân Ukraine đã và đang là những người mất đi nhiều nhất và cũng là đối tượng sẽ còn nhiều thứ để mất hơn cả. Lẽ dĩ nhiên, kịch bản trên không phải là điều mà Ukraine không thể tránh khỏi. Với sự ủng hộ hùng hậu, ổn định từ bên ngoài, vẫn còn đó một cơ hội để Ukraine giành chiến thắng, nhưng cơ hội đó quá sức mong manh.


Anh Minh

Khi ngôn ngữ trở thành công cụ chính trị ở Ukraine
Khi ngôn ngữ trở thành công cụ chính trị ở Ukraine

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ngôn ngữ đang được sử dụng làm một công cụ quan trọng và được “chính trị hóa” hơn bao giờ hết. Nó được từ người dân đến chính trị gia dùng để thể hiện quan điểm là ủng hộ Nga hay phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN