Afghanistan: Là người lâu nay luôn chỉ trích can thiệp quân sự kéo dài tại Afghanistan, ông Biden khi còn là Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama đã phản đối ý tưởng tăng quân, tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan.
Thỏa thuận giữa chính quyền Donald Trump với Taliban thông qua vai trò trung gian của Qatar hồi năm 2020 về bước đi và lộ trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đã tạo cho ông Biden cơ hội thực thi việc thoái lui quân sự toàn diện khỏi quốc gia Tây Nam Á này, qua đó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận trong nước về đưa Mỹ thoát khỏi cuộc chiến dài nhất, tốn kém nhất trong lịch sử.
Quyết định rút quân này gặp phải phản ứng từ một số quan chức trong Bộ Quốc phòng cũng như một nhóm nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ. Nhưng với việc thực hiện được 95% tiến độ tính đến thời điểm này, Mỹ gần như chắc chắn sẽ hoàn thành việc rút quân toàn bộ vào cuối tháng 8 tới.
Vấn đề Israel-Palestine: Ông Biden rút lại một số biện pháp trừng phạt hà khắc nhất của người tiền nhiệm nhằm vào phía Palestine, nỗ lực khôi phục trợ giúp kinh tế, nhân đạo và mở cửa trở lại Tổng lãnh sự quán ở Jerusalem – phái bộ lâu nay đóng vai trò là văn phòng độc lập phụ trách quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với người Palestine.
Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm tiếp tục ủng hộ viện trợ quân sự không điều kiện trị giá 3,8 tỉ USD/năm dành cho Israel. Nhà Trắng cũng không cho thấy ý định rút lại nhiều đường hướng chính sách ông Trump từng công khai thiên vị ủng hộ Israel.
Rõ nhất là việc ông chính quyền Joe Biden tái khẳng định sẽ giữ Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Bộ Ngoại giao Mỹ cho đến thời điểm này cũng không đưa ra quan điểm pháp lý khẳng định các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là “bất hợp pháp” chiếu theo luật pháp quốc tế.
Thỏa thuận hòa bình Abraham: Thỏa thuận hòa bình Abraham là một trong những thành tựu ngoại giao nổi bật của Mỹ dưới thời ông Trump. Thông qua vai trò bảo trợ trung gian, Mỹ đã thúc đẩy Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco lần lượt ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.
Trong phiên điều trần phê chuẩn vào cương vị Ngoại trưởng tại Thượng viện hồi tháng 1, ông Anthony Blinken nói rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ “xem xét kĩ lưỡng” một số cam kết mà ông Trump đưa ra đối với các bên tham gia ký Hiệp ước Abraham. Nhưng đến thời điểm này, Mỹ vẫn giữ nguyên toàn bộ cam kết của chính quyền tiền nhiệm. Sau kỳ rà soát chính sách nhanh chóng, Mỹ đã sớm triển khai thỏa thuận bán lô máy bay F-35 trị giá 23 tỉ USD cho UAE.
Tổng thống Trump cũng đã công nhận chủ quyền của Morocc với Tây Sahara hồi năm ngoái, chỉ ít lâu sau khi Rabat ký Hiệp ước Abraham với Israel. Mạng tin Axios hồi tháng 5 từng đưa tin Ngoại trưởng Blinken cam kết với đồng cấp người Marocco Nasser Bourtia rằng chính quyền Joe Biden sẽ không thay đổi quan điểm đối với vấn đề lãnh thổ liên quan đến Tây Sahara.
Hợp tác an ninh Mỹ-Saudi Arabia: Ông Biden ra quyết định ngừng hỗ trợ chiến dịch quân sự của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu ở Yemen, nhưng vẫn duy trì hợp tác quốc phòng với chính quyền Riyadh trong bối cảnh phiến quân Houthi tại Yemen thường xuyên mở các cuộc tấn công bằng tên lửa, rocket vào Saudi Arabia.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ngừng vô thời hạn hai hợp đồng bán vũ khí cho Riyadh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Khalid bin Salman cũng vừa có chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước và có cuộc gặp với giới chức hàng đầu Nhà Trắng, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Tại các cuộc tiếp xúc, phía Mỹ khẳng định cam kết giúp Saudi Arabia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tính mạng của người dân, coi trọng phát triển quan hệ quốc phòng song phương.
Cuba: Diễn biến mới đây ở Cuba cho thấy những tác động của lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Ông Biden có ý định quay trở lại chính sách của chính quyền Barack Obama về cho phép người Mỹ gốc Cuba gửi kiều hối về nước và dỡ bỏ một số lệnh hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy Mỹ sớm dỡ trừng phạt từng được dựng lên dưới thời ông Trump. Chính sách của Mỹ với Cuba vẫn đang trong thời kỳ rà soát.
Venezuela: Mỹ hiện giữ phần lớn các lệnh trừng phạt chống Venezuela được chính quyền tiền nhiệm áp đặt trước đó. Nhà Trắng cũng tiếp tục công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là “lãnh đạo”, ‘tổng thống” hợp pháp của Venezuela.
Giới chức Nhà Trắng cho biết sẽ không rà soát, xem xét lại cấm vận chống Venezuela cho đến khi Tổng thống Nicolas Maduro đạt bước tiến lớn, đáng tin cậy trong tiến trình phục hồi dân chủ.
Thuế trừng phạt Trung Quốc: Ông Trump là người khởi xướng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, với việc ra quyết định trừng phạt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ mới đây đã dỡ bỏ đòn áp thuế đối với một số đồng minh châu Âu và phố hợp với Liên minh châu Âu (EU) để xử lý ổn thỏa bất đồng thương mại.
Nhưng trái ngược với khuyến nghị từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa có bất kỳ động thái nào liên quan đến việc dỡ thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 360 tỉ USD từ Trung Quốc.