Thực hư thông tin doanh nghiệp chi 40% lợi nhuận đóng thuế

Bộ Tài chính đã có thông cáo trước thông tin phản ánh về việc doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế.

Dây chuyền sản xuất nệm ghế xe hơi của CTY TNHH MARUBISHI tại công nghiệp Bình Chiểu, TPHCM. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Trong thông cáo ngày 28/2 trước thông tin phản ánh việc doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao, Bộ Tài chính cho rằng, việc tính gộp cả các khoản đóng góp của doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn thuộc lĩnh vực lao động, bảo hiểm thất nghiệp để dẫn tới cách hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng.

Theo Bộ Tài chính, các khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thì không thuộc về khoản huy động tài chính của nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động, vì vậy việc gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng thuế “ăn” là không chính xác.

Bộ Tài chính cho biết, đối với thuế, phí trong lĩnh vực tài chính, là khoản huy động của Nhà nước từ doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp.

Để so sánh tương quan giữa các quốc gia, thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ % giữa số huy động từ thuế, phí tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). So với các nước, việc xây dựng, tính toán số thu ngân sách ở Việt Nam có đặc thù cần lưu ý khi so sánh về mức độ động viên ngân sách của Việt Nam với các nước.

Do đó, để đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng thực tế thì việc so sánh về tỷ lệ thu ngân sách nhà nước tính trên GDP ở Việt Nam với các nước cần phải dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Theo số liệu thống kê thì tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9%. Trong khi tỷ trọng tổng số thu ngân sách nhà nước trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%...

Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước như phân tích ở trên thì nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam được sử dụng để so sánh với các nước cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có bản chất “thu từ vốn” và không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế. 

Cụ thể, tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Ví dụ như, thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời kỳ 10 năm từ 1999 đến 2009, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được điều chỉnh giảm từ mức 32% năm 1999, mức 28% từ năm 2004 và 25% từ năm 2009 theo đúng chiến lược, lộ trình cải cách thuế. 

Mức thuế suất phổ thông từ 2014 là 22% và từ 1/1/2016 xuống mức 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. Nếu so với mức bình quân chung của 83 nước trên thế giới là 27%; so với một số nước trong khu vực có mức thuế suất phổ thông 30% như Thái Lan; Trung Quốc 25%, Malaysia 25% thì mức thuế suất phổ thông của Việt Nam được đánh giá là thấp.

Tương tự với thuế giá trị gia tăng, hiện nay, mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ). Theo thống kê về thuế suất thuế gía trị gia tăng của 112 nước trên thế giới, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%.

Về thuế xuất - nhập khẩu: Kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hải quan thế giới và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Theo đó, Việt Nam hàng năm đều thực hiện cắt giảm thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế. Tỷ trọng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm (từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005 -2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011-2014)…

TTXVN/Tin Tức
Ngành Thuế tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Ngành Thuế tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Nhiều doanh nghiệp khi làm các thủ tục tại cơ quan thuế đầu năm mới Bính Thân đã cảm thấy hài lòng hơn trước. Điều đó cho thấy, những cải cách thủ tục thuế của ngành tài chính nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp đã đi vào thực chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN