Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên cả nước vẫn đang ở mức cao. Việc nhiều người nhiễm COVID-19 (F0) thực hiện tự điều trị tại nhà đã phần nào giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế ở khía cạnh điều trị, nhưng lại đang tạo ra một áp lực khác, đó là chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh.
Số lượng F0 đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, khiến nhiều cơ sở y tế xảy ra hiện tượng quá tải, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Điều này khiến một bộ phận người dân sau khi phát hiện nhiễm COVID-19 qua tự xét nghiệm nhanh đã cách ly tại nhà mà không khai báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế.
Việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh một mặt giúp người lao động được hưởng các chế độ và quyền lợi theo quy định, đồng thời cũng sẽ giúp các cơ quan y tế thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê số lượng ca nhiễm một cách chính xác; từ đó phục vụ việc phân tích, dự báo xu hướng dịch bệnh.
Việc cấp giấy chứng nhận F0 và khỏi bệnh, giấy chứng nhận ốm đau hưởng BHXH còn bất cập. Trước áp lực này, vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp giảm tải thủ tục hành chính cho người F0 tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Theo đó, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trung tâm y tế, trạm y tế khẩn trương triển khai chuyển đổi số trong công tác xác nhận F0 và các thủ tục xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Cụ thể, các nơi như bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khi phát hiện người mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà, thì hướng dẫn người mắc COVID-19 truy cập vào địa chỉ khaibaof0.tphcm.gov.vn trên máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet để “khai báo F0”. Thông tin sau khi khai báo sẽ được hệ thống ghi nhận và gửi về Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) nơi người mắc COVID-19 cách ly.
Cũng để tạo thuận tiện cho người dân, Hà Nội cũng đang xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cho người lao động khi bị nhiễm COVID-19. Phần mềm này đang được thử nghiệm và dự kiến tuần tới sẽ vận hành chính thức.
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ TT&TT, một số đơn vị đã nghiên cứu và phát triển phần mềm quản lý ca bệnh COVID-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng. Thời gian vừa qua, một số địa phương đã chủ động áp dụng và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, về quy trình thủ tục chứng nhận F0 cho người dân, Bộ Y tế sớm đề xuất phương án hiệu quả, đồng thời hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong giai đoạn mới.
Còn theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phụ trách việc định hướng các giải pháp kỹ thuật, yêu cầu đảm bảo an toàn kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghệ quản lý F0 tại các địa phương. Vai trò của Bộ Y tế là đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thông tin trong quản lý F0 để các địa phương triển khai.
Thời gian tới, Bộ Y tế mong muốn và đang triển khai đưa các dữ liệu của việc xác nhận, chứng nhận F0 khỏi bệnh kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Cụ thể, Cục Công nghệ thông tin phụ trách khâu kết nối, nội dung dữ liệu về F0 sẽ do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phụ trách. "Vấn đề này chúng tôi đang lên kế hoạch để phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai, sau đó khi có dữ liệu sẽ tiến hành kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Bộ Y tế cũng đang có phương án về xây dựng hạ tầng để bảo cho việc kết nối này", lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết.