Văn bản này có dấu hiệu bất thường trong định hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng xấu tới sản xuất, kinh doanh của người dân… Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đi tìm hiểu thực tế về vấn đề này tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Sử dụng thuốc hiệu quả, kịp thời
Có mặt tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì chiều ngày 11/9, cánh đồng lúa rộng 60 ha của xã đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Chỉ cách đây hai tháng cánh đồng lúa này được cho là sẽ mất mùa do sâu bệnh gây hại.
Bà Hoàng Thị Dung, khu 2 xã Sông Lô, cho biết nhờ có tổ khuyến nông của xã đã khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên toàn bộ 3 sào lúa bị sâu cuốn lá của gia đình bà tưởng như mất trắng đã được cứu chữa kịp thời. Ước tính năng xuất lúa đạt 1,8 tạ/sào, cao hơn so với vụ mùa năm trước.
Ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sông Lô, cho biết vụ mùa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh gây hại trên diện rộng, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ phát sinh mật độ cao, mức độ gây hại gấp nhiều lần so với trung bình nhiều năm trước. Nhờ có hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống kịp thời nên vụ mùa năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi nhưng năng xuất lúa của xã vẫn ước đạt 1,8-2,1 tạ/sào (5,0-5,8 tấn/ha) cao hơn năm trước (năm 2014 năng suất bình quân đạt 1,3-1,5 tạ/sào).
Chị Nguyễn Thị Tâm, khu 3 xã Hương Nộn huyện Tam Nông, cho biết vụ mùa năm nay tưởng mất mùa do sâu bệnh, nhưng nhờ phun thuốc dập dịch kịp thời nên lúa không việc gì. Nhà chị có 3 sào hiện đã gặt xong, năng suất đạt tới 2,5 tạ/sào, cao hơn năm trước.
Ông Phan Đức Tài, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông, cho biết toàn huyện có gần 2.700 ha, trong đó hầu hết diện tích lúa đều bị nhiễm sâu bệnh, nhiều diện tích bị nhiễm nặng có nguy cơ mất trắng. Nhưng nhờ phòng chống hiệu quả sâu bệnh gây hại, năng suất lúa dự kiến đạt bình quân gần 55 tạ/ha, tăng 18% so với năm trước.
Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ, hiện nay lúa trên địa bàn đều phát triển tốt, đang trong giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi, chín, nhiều địa phương đang tiến hanh thu hoạch. Hầu hết các địa phương đều đánh giá đây là vụ sản xuất được mùa. Nhiều địa phương có năng xuất cao như Lâm Thao đạt bình quân tới 60 tạ/ha, Thanh Thủy đạt 53 tạ/ha…
Không có việc “ngăn sông cấm chợ”
Có ý kiến cho rằng, việc Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ có văn bản hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc là việc làm "ngăn sông cấm chợ," là ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, người nông dân mất quyền lựa chọn loại thuốc.
Qua tìm hiểu tại huyện Cẩm Khê cho thấy hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra bình thường trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Khoa, khu 6 chủ đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật xã Phùng Xá, cho biết từ khi Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ có văn bản hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc trên một số loại cây trồng chính ở tỉnh, việc kinh doanh của chị vẫn bình thường. Có rất nhiều khách trong xã và ngoài xã vấn đến cửa hàng của gia đình chị tìm mua thuốc bảo vệ thực vật. Tên thuốc, giá cả đều được niêm yết ghi trên bảng, treo công khai trước cửa ra vào.
Hiện cửa hàng của chị kinh doanh rất nhiều mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, người nông dân tự do lựa chọn loại thuốc phù hợp với loại cây trồng. Vừa kinh doanh thuốc, chị vừa hướng dẫn, tư vấn loại thuốc và tổ chức làm dịch vụ phun thuốc cho bà con nông dân nếu có nhu cầu.
Anh Nguyễn Công Chính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Khê, cho biết trên địa bàn huyện hiện có hàng chục cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, với rất nhiều các chủng loại thuốc khác nhau được bày bán phục vụ người dân. Trong những năm qua, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh. Hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đã phát huy vai trò năng động, nhạy bén trong cung ứng thuốc cho nông dân, kịp thời phòng trừ các đối tượng sâu bệnh và góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng các loại cây trồng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có 494 đại lý đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trong đó hầu hết là đại lý cấp 2 thuộc diện nhỏ, lẻ, số đại lý cấp một chiếm tỷ lệ rất ít. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý chặt chẽ, lại có quá nhiều loại thuốc được bày bán, người dân rất khó lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phòng chống dịch hại xảy ra.
Bên cạnh đó, không ít người dân vẫn còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng sai nguyên tắc, không đảm bảo thời gian cách ly… đã gây ảnh hưởng tới năng xuất và chất lượng cây trồng.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngày 3/6/2015, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Thọ có công văn số 166/BVTV-KT về việc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một số loại cây trồng chính của tỉnh. Trong đó, hướng dẫn chi tiết về tên loại thuốc, hoạt chất, đối tượng phòng trừ, ngưỡng phòng trừ, cách pha thuốc, phun thuốc và thời gian cách ly của từng loại thuốc với từng đối tượng; đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng 89 loại thuốc bảo vệ thực vật trên một số cây trồng chính, cụ thể, trên lúa có 51 loại, trên rau 20 loại, cây ăn quả 16 loại, cây chè 12 loại, cây ngô 8 loại…
Những loại thuốc bảo vệ thực vật này nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực phòng trừ bệnh cao, đã được Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành khảo nghiệm, trình diễn, hội thảo qua nhiều vụ sản xuất, được nông dân tin dùng. Theo đánh giá của các chuyên môn, các loại thuốc này ít độc hại đối với người, động vật máu nóng và môi trường, có thời gian cách ly ngắn, có nguồn gốc sinh học, đang được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn…
Theo ông Phan Văn Đạo, Chi Cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ, việc ban hành văn bản hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên một số loại cây trồng chính không có ý “ ngăn sông cấm chợ” như một số thông tin đã đưa. Việc ban hành văn bản là nhằm khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người nông dân dễ mua thuốc, sử dụng thuốc theo nguyên tắn bốn đúng.