Trước mắt, Trung tâm khắc phục việc dẫn nước thải ra ruộng lúa. Cùng với đó, ở trong lò mổ, Trung tâm hút toàn bộ chất thải trong bể chứa và vệ sinh, thay mới toàn bộ tầng lọc của bể. Đơn vị tổ chức đào mương để dẫn nước thải ra suối. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Về lâu dài, đơn vị kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đầu tư xây dựng hệ thống lọc theo quy chuẩn của Nhà nước, khi đó mới đảm bảo được nước thải khi chảy ra môi trường.
Giải pháp khắc phục đối với nước thải gây ô nhiễm tại lò giết mổ thực chất là thay dẫn nước thải ra ruộng lúa, lực lượng chức năng lại dẫn nước thải không đạt tiêu chuẩn ra suối Huýt. Ngoài ra, việc đào mương, dẫn nước thải chảy lộ thiên ra suối gây mùi hôi thối quanh con đường trên.
Lò giết mổ tập trung của thành phố được đầu tư xây dựng tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Vị trí xây dựng ở xa khu dân cư. Lò giết mổ tập trung này chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thống xử lý nước thải thô sơ, dùng bể xử lý lắng, lọc và hồ chưa sinh học nên nước thải ra môi trường chưa đạt chuẩn. Hiện mỗi ngày lò giết mổ sử dụng khoảng 150 mét khối nước, hệ thống xử lý nước thải (bể chứa) quá tải gây tình trạng tắc nghẽn không lắng lọc, nước tràn ra ngoài khu vực lò giết mổ, bốc mùi. Ngoài nước thải từ cống ra ruộng làm ảnh hưởng năng suất lúa, có lượng nước thải không nhỏ tràn vào lô cao su của người dân ở cạnh lò mổ, gây mùi hôi, khó chịu.
Hiện mới có 29 hộ vào giết mổ tập trung nhưng hệ thống xử lý nước đã quá tải, trong khi dự án quy mô 61 hộ.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã có bài phản ánh, lò giết mổ gia súc tập trung của thành phố Kon Tum gây ô nhiễm môi trường, làm lúa của người dân làng Kon H’Ngo Ktu, xã Vinh Quang, canh tác xung quanh bị ảnh hưởng, giảm năng suất.