Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Việc các doanh nghiệp kiến nghị cũng có cái lý của họ nên tôi cho rằng Hội đồng tiền lương quốc gia với chức năng tham vấn cho Chính phủ sẽ lắng nghe để có đánh giá khách quan, cân nhắc thêm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp là người trả tiền lương cho lao động nên cơ quan chức năng cũng thấy cái khó của họ để có tính toán hợp lý.
Về phương án tăng lương tối thiểu vùng, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Điều chỉnh lương của người lao động thời điểm nào cũng rất tốt.
“Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 chưa có trong tiền lệ. Thông thường năm nay sẽ bàn về lương tối thiểu vùng để điều chỉnh vào ngày 1/1 sang năm. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tính toán giá thành, kế hoạch sản xuất… Tuy nhiên, việc thống nhất phương án tăng lương tối thiểu từ phiên đàm phán thứ 2, cho thấy sự chia sẻ của doanh nghiệp và người lao động. Tăng lương từ 1/7/2022 thì người lao động được hưởng lợi ngay”, ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Khảo sát tại một số sàn giao dịch việc làm cho thấy, mức lương và các khoản trả cho người lao động hiện nay cao hơn mức tối thiểu vùng, thường từ 5-6 triệu đồng/tháng và nếu làm thêm giờ, các khoản phụ cấp khác có thể lên 7-8 triệu đồng/tháng. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng tác động chủ yếu đến lao động phổ thông, thu nhập thấp và thường được các doanh nghiệp lấy làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia năm nay, bộ phận kỹ thuật đưa ra các phương án về mức lương tối thiểu từ tháng 7/2022 với mức tăng từ trong khoảng 3,3% đến 6,08%.
Cũng tại phiên họp này, đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng và thời điểm tăng lương từ ngày 1/1/2023 với mức tăng từ 2-6%
Còn phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, lần lượt các mức tăng là 8,16% và 7,25%.
Các năm trước, cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia thường họp 3 - 4 cuộc mới tiến hành bỏ phiếu ngã ngũ nhưng đáng chú ý năm nay là Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp phiên thứ 2, dù tranh luận gay gắt nhưng các bên không sử dụng quyền dừng cuộc họp để thảo luận tiếp mà tiến hành bỏ phiếu.
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tất cả 17 thành viên của Hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng 6%. Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1/1/2023.
Trả lời báo chí ngay sau khi Hội đồng kết thúc bỏ phiếu, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, việc tăng lương sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
“Chúng tôi chưa thực sự hài lòng với mức điều chỉnh này, vì chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn điều chỉnh ở mức phù hợp từ ngày 1/1/2023, còn tăng từ 1/7/2022 thì vất vả quá, doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số, kể cả chỉ số tăng trưởng", ông Hoàng Quang Phòng nói.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chốt từ đầu năm, đến nay tăng lương từ 1/7/2022 thì doanh nghiệp sẽ phải vất vả hơn trong việc tính toán, cân đối các chi phí.
Ngay sau khi có thông tin từ Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022, có 8 hiệp hội gửi đơn kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023. Các Hiệp hội gửi kiến nghị gồm: Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.
Lý giải về nguyên nhân kiến nghị được lùi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang năm 2023, tám hiệp hội cho rằng, trong 2 năm 2020-2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp rất khó khăn và kiệt quệ.
Hơn nữa, hiện nay tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp.
Hiện nay các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá được.
Mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được phê chuẩn tăng 6%) sẽ lần lượt tăng thêm như sau:
Vùng 1: Tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu lên 4,68 triệu đồng.
Vùng 2: Tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu lên 4,160 triệu đồng.
Vùng 3: Tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu lên 3,64 triệu đồng.
Vùng 4: Tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu lên 3,250 triệu đồng.