"Vạch" rõ sai phạmVề sai phạm liên quan đến công trình nhà ở và tài sản gắn liền trên đất nhà ông Chủ tịch UBND xã Chu Phan Nguyễn Văn Hải, công văn nêu rõ: Nguồn gốc thửa đất (gia đình ông Hải đang sinh sống) là của hộ ông Nguyễn Văn Tịch (bố ông Nguyễn Văn Hải) khu cầu bê tông là do Hợp tác xã Nại Châu giao trái thẩm quyền năm 1996. Thửa đất số 466, tờ bản đồ số 05 diện tích 240 m2 trong Bản đồ địa chính đo đạc năm 1986 xã Chu Phan là được kẻ vẽ thêm mà hộ ông Nguyễn Văn Hải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X481657, số vào sổ 02477QSDĐ/2162/QĐ - UB ngày 15/12/2003.
Khu đất bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đã mọc lên ngôi nhà 2 tầng kiên cố và chủ hộ là Chủ tịch UBND xã Chu Phan Nguyễn Văn Hải. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Việc kẻ vẽ thêm thửa đất 466 tờ bản đồ số 05 đo đạc năm 1986, để làm cơ sở năm 2003 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Văn Hải là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Quang Thường, nguyên cán bộ địa chính xã thời kỳ 1989 - 2014. Ngày 30/8/2003, ông Nguyễn Văn Hải làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất với nguồn gốc sử dụng đất cấp năm 1978 là sai về nguồn gốc. Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Chu Phan.
Cũng theo ghi nhận, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Chu Phan (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng huyện Mê Linh thu hồi do có sai phạm liên quan đến việc kẻ vẽ thêm vào bản đồ sử dụng đất. Thậm chí, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Hải còn xây dựng công trình nhà ở cao tầng và sử dụng diện tích đất ngoài diện tích trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng chục m2.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Tôi yêu Luật cho biết: Đối với các trường hợp bị hủy bỏ, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của điểm d, Điều 106 Luật Đất đai 2013, việc giải quyết hậu quả pháp lý, đặc biệt là tài sản trên đất cần phải cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. Nếu đất bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, không đủ điều kiện để công nhận đất ở, phải yêu cầu chủ sử dụng đất trả lại nguyên hiện trạng, tháo dỡ công trình vi phạm trên đất. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử đất do không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, người sự dụng đất phải có trách nhiệm kê khai lại, làm lại thủ tục cấp “bìa đỏ”.
Hành vi tự ý tẩy xóa, chỉnh sửa hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính là hành vi bị nghiêm cấm. Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Quá trình điều tra, nếu có đủ căn cứ cho thấy, hành vi tẩy xóa, vẽ vào hồ sơ địa chính có đủ dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Sai phạm "chồng" sai phạmKhông chỉ sai phạm liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch HĐND xã Chu Phan (2011 -2016) và nay là Chủ tịch UBND xã Chu Phan, theo nhiều người dân, ông Hải và các cán bộ có liên quan đã buông lỏng quản lý gây lãng phí tiền của nhân dân, làm ảnh hưởng đến khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia khi cải tạo khuôn viên đền Nại Châu (xã Chu Phan, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội), gây bức xúc nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chu Phan cho biết: Theo quy định, việc cải tạo Di tích lịch sử Quốc gia đền Nại Châu phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, đơn vị và cá nhân liên quan... Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện đầy đủ dẫn đến việc phá vỡ kết cấu địa hình khu vực khuôn viên Di tích đền Nại Châu. Cụ thể, đó là việc đập một trạm bơm cũ nằm trong khuôn viên đền Nại Châu để xây dựng trạm bơm mới. Vị trí trạm bơm mới xâm phạm vào bờ kênh Thanh Điềm, một trong những bờ kênh quan trọng thuộc thẩm quyền quản lý huyện Mê Linh. Vì vậy, trạm bơm sau khi xây dựng xong đã phải đập bỏ, gây lãng phí tiền của nhân dân.
Tiếp đó, xã Chu Phan lại tiếp tục xây dựng một trạm bơm mới trên nền đất trạm bơm cũ trước đây tại Nại Châu. Đáng chú ý, tàn tích của trạm bơm vi phạm bị đập bỏ ngổn ngang gạch đất còn đó, hàng chục triệu đồng mà nhân dân đóng góp "không cánh mà bay", cho đến nay vẫn chưa có quyết toán. Trong khi, trạm bơm mới xây dựng không đúng với thiết kế được phê duyệt, khiến dư luận "dậy sóng".
Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: Nghiêm cấm làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích. Thế nhưng, UBND xã Chu Phan đã cho cải tạo làm ảnh hưởng đến khuôn viên đền Nại Châu, một Di tích lịch sử Quốc gia. Còn đó là những hệ thống kèo cột bằng sắt được chôn chặt bằng bê tông án ngữ ngay trước cửa đền gây mất mỹ quan, xâm hại di tích.
Chưa xử lý nghiêm minh
Trước sự việc trên, TTXVN đã tìm hiểu, xác minh thông tin và làm việc với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân để có thông tin phản ánh đúng sự việc đang diễn ra tại Chu Phan. Sau khi TTXVN phản ánh, nhiều người dân thôn Nại Châu, xã Chu Phan (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) đã có phản hồi tích cực.
Ông Nguyễn Văn Tần, xóm 3, thôn Nại Châu, xã Chu Phan (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) chia sẻ: Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân trong xã ghi nhận và cảm ơn cơ quan báo chí đã phản ánh đúng bản chất sự việc; hy vọng các cơ quan chức năng liên quan sớm thanh tra, làm rõ xử lý nghiêm, tránh để những sai phạm tại xã Chu Phan bị "chìm xuồng".
Thế nhưng, câu trả lời cho những sai phạm nghiêm trọng nêu trên chỉ là quyết định kiểm điểm với hình thức "rút kinh nghiệm" đối với Chủ tịch UBND xã Chu Phan và các cán bộ liên quan. Nhiều người dân xã Chu Phan cho rằng sai phạm đã rõ, các cơ quan báo chí đã phản ánh, tuy nhiên Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh vẫn chưa xử lý nghiêm, dứt điểm vụ việc.
Ông Bùi Xuân Vị, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chu Phan thông tin thêm: Từ đầu năm 2015 đến nay, trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Chu Phan, một số công việc của xã thiếu sự bàn bạc; không bàn bạc trong Đảng, thậm chí không bàn bạc với dân, với thôn, với xóm. Cũng vì vậy, từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ xã Chu Phan bị đánh giá là một đơn vị mất đoàn kết, Huyện ủy Mê Linh đã điều động cán bộ về tham gia cấp ủy và làm Bí thư. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020 đến nay, Huyện ủy Mê Linh đã điều động hai đồng chí về làm Bí thư Đảng ủy xã Chu Phan nhưng sự chuyển biến chưa rõ nét.
Thiết nghĩ, những sai phạm xảy ra ở Chu Phan cần được xử lý dứt điểm; người dân xã Chu Phan và các cơ quan công luận đang chờ đợi một kết luận chính xác, nghiêm minh, để ổn định đời sống dân sinh tại địa phương.