Phúc đáp công văn 1291/KCB-QLCL&CĐT ngày 18/10 của Bộ Y tế về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng "cò" máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa có công văn trả lời Bộ Y tế.
Theo đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định, không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật; không có cá nhân hay tổ chức nào trong bệnh viện mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp "cò" máu.
Tất cả những trường hợp "cò" máu khi bệnh viện phát hiện được đều đã tiến hành giao cho cơ quan công an để xử lý theo pháp luật; người nhà bệnh nhân nếu cho máu chỉ trong trường hợp cần nhóm máu hiếm đòi hỏi phải cùng huyết thống hoặc người nhà tình nguyện hiến máu khi nguồn cung không đủ.
Bệnh viện cũng khẳng định, nhu cầu cung cấp đủ máu cho điều trị bệnh nhân rất lớn, chủ yếu từ nguồn hiến máu lưu động. Việc duy trì điểm hiến máu cố định tại Bệnh viện chủ yếu nhằm mục đích tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội về vai trò hiến máu tình nguyện, giải quyết nguồn khan hiếm máu vào những thời điểm thiếu máu cục bộ, vận động tiếp nhận máu trong những trường hợp người bệnh có nhóm máu hiếm Rh(-) hay nhóm máu AB mà không có được sự hỗ trợ từ Viện huyết học- Truyền máu Trung ương.
Bình thường, nguồn máu cấp cứu bệnh nhân của Bệnh viện đến từ 3 nguồn chính là: Tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, tiếp nhận máu từ Viện huyết học- Truyền máu Trung ương và tiếp nhận máu tại điểm hiến máu cố định trong bệnh viện bao gồm từ cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và từ người nhà bệnh nhân.
Đại diện Bệnh viện cũng cho biết, với đặc thù là bệnh viện ngoại khoa, hàng năm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số lượng ca mổ tăng lên khoảng 10% (năm 2017 tổng số phẫu thuật trên 65000 ca). Hơn nữa, bệnh viện đảm nhận nhiệm vụ điều trị cấp cứu tuyến cuối của cả nước với những trường hợp tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hay tai nạn lao động rất phức tạp và nặng nề.
Mỗi ngày, Bệnh viện mổ trung bình 150 ca mổ phiên, khoảng trên 30 ca mổ cấp cứu, hầu hết đều cần truyền máu. Có những loại máu và thời điểm không đủ cung cấp từ các nguồn trên, bệnh viện vận động người nhà người bệnh, người dân và cả cán bộ y tế của bệnh viện hiến máu để truyền cho người bệnh. Đây là một nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống người bệnh, nhiều người nhà người bệnh sẵn sàng hiến máu, thậm chí huy động người nhà hiến vượt số lượng theo yêu cầu truyền cho người nhà mình với một suy nghĩ đơn giản tại sao những người không quen biết trong xã hội còn tình nguyện hiến máu cứu người mà mình lại không thể hiến cho ngay người nhà mình? Tuy nhiên số lượng này chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng số máu truyền tại bệnh viện, nhiều thời điểm khi lượng máu hiến nhân đạo đủ thì cũng không huy động từ nguồn này. Đơn cử năm 2018, trong các tháng 3, 4, 5, 6 hoàn toàn không phải lấy máu tại bệnh viện.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đề xuất những giải pháp để giải quyết nạn "cò" máu như: Ngăn không cho "cò" máu tiếp cận người nhà người bệnh, vận động người nhà người bệnh không tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài để tránh bị lợi dụng; giảm thiểu các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nhà người bệnh khi làm thủ tục dự trù và lĩnh máu; nhân viên y tế chủ động phát hiện và loại bỏ các đối tượng giả thân nhân người bệnh để hiến máu; đặt các cảnh báo tờ rơi để cảnh báo cho người nhà người bệnh về tình trạng lừa đảo của cò máu. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tiếp nhận máu lưu động để tăng lượng máu tiếp nhận từ cộng đồng nhằm đáp ứng ngày một nhiều nhu cầu máu cho điều trị.