Dư luận lại thêm một phen bất bình bởi clip ba nữ sinh mặc đồng phục đánh nhau như giang hồ cùng lời lẽ chửi mắng hết sức thô tục vừa được tung lên trang YouTube. Đây không biết là clip thứ bao nhiêu về chủ đề này được tung lên mạng internet, bởi số vụ học sinh đánh nhau và được quay, ghi lại có thể dễ dàng tìm thấy nhan nhản khi chỉ cần gõ cụm từ trên lên trang Google.
Dư luận cũng chưa hết xôn xao sau khi nghe đoạn ghi âm một cô giáo ở Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng mắng chửi một học sinh lớp 11 chuyên Lý. Tất nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi kết án về những từ ngữ, lời lẽ có thể nói là thô thiển mà cô giáo này đã dùng đối với học trò của mình thì cũng phải khẳng định, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự “tức nước vỡ bờ” của cô là do thái độ, cách ứng xử không phải phép của học trò. Nhưng cũng chẳng thua kém về số lượng và tính chất các vụ học sinh đánh hội đồng, số clip, ghi âm, tin tức… về các vụ cô thầy dùng bạo lực với học sinh cũng đầy rẫy trên mạng.
Nhờ có internet, giờ đây dư luận ngày càng “bị tra tấn” bởi những clip kiểu như thế. Cũng đồng nghĩa, nỗi day dứt, ám ảnh phía sau cổng trường ngày càng bị nhân lên. Nỗi ám ảnh ấy chính là ám ảnh về cách ứng xử bạo lực, mà nói mô phạm hơn là ứng xử “phi văn hóa” trong trường học và thế giới học đường.
Việc có nhiều thông tin hơn về những vụ “phi văn hóa” không chứng minh tình trạng này tăng hơn hay tính chất của các vụ việc nặng nề, phức tạp hơn so với các thời kỳ trước. Bởi có thể khi đó chưa có các phương tiện hiện đại để có thể ghi lại, quay lại và tuyên truyền nhanh, rộng như internet. Nhưng có một điều chắc chắn là kể từ khi có những vụ “phi văn hóa” đầu tiên được phát hiện và lan truyền cho đến nay, thì số vụ việc kiểu này chẳng những không hề giảm mà còn tăng lên, cả về số lượng lẫn mức độ.
“Phi văn hóa” trong trường học tăng lên sau khi cả xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã thực hiện hàng loạt giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa lại càng là điều đáng lo ngại. Thực tế này đặt ra hai khả năng: Một là, các giải pháp đó chưa thực sự hữu hiệu, chưa thực sự nghiêm ngặt hoặc chưa được thực hiện triệt để. Hai là, “phi văn hóa” đã là một thứ bệnh tiềm tàng, rất khó chữa ở một bộ phận học trò và cô thầy.
Nếu vậy, giải pháp cho vấn đề này phải song hành cả hai cách: Vừa phải tính tới áp dụng một chế tài, hình phạt mạnh hơn, nghiêm hơn, đủ tính chất răn đe cho các hành vi “phi văn hóa”, vừa phải xốc lại văn hóa học đường ngay từ đạo đức cá nhân của mỗi người thầy, người cô đến từng học trò. Ngành giáo dục đang phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vậy thì để phong trào này không dừng lại ở sự hô hào lại càng cần trị tận gốc căn bệnh “phi văn hóa”.