So với dòng xe thể thao đa dụng SUV và các dòng xe khác có cùng khung gầm và dung tích xi lanh đang có giá khoảng 1 tỷ đồng, thì dòng xe bán tải có lợi thế hơn khi mức đầu tư chỉ dao động từ dưới 600 triệu đến hơn 800 triệu đồng.
Chia sẻ về sức “hút” của phân khúc xe bán tải này, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam cho hay, xu hướng sử dụng xe bán tải trong công việc hàng ngày đang ngày càng hình thành rõ nét tại thị trường Việt Nam.
Đây là dòng xe đa dụng, phù hợp với cả mục đích sử dụng hàng ngày trong phố, lẫn những khu vực ngoại ô, nông thôn nhờ vào khả năng vừa chở người vừa chở hàng. Không chỉ vậy, nhà sản xuất cũng ngày càng chăm chút cho dòng xe bán tải của mình khi không ngừng bổ sung những trang thiết bị tiện nghi, công nghệ hiện đại không thua kém gì xe con khiến nhiều người lựa chọn.
Theo dõi thị trường xe ô tô những năm gần đây cũng có thể nhận thấy, phân khúc xe bán tải ngày nay có nhiều lựa chọn cả về thương hiệu, mẫu mã với các thương hiệu đến từ Mỹ hay Nhật Bản như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Mazda BT50, Isuzu D-Max, Nissan NP300 Navara.
Điều đáng chú ý, tại Việt Nam, ngoại trừ hai mẫu Premio của Mekong lắp ráp trong nước và UAZ nhập khẩu từ Nga, bảy thương hiệu xe bán tải còn lại đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Ngoài sự phong phú của các thương hiệu cũng như tính đa dụng và giá rẻ hơn so với các dòng xe khác, từ ngày 1/11/2016, dòng xe bán tải còn được "đối xử" ngang hàng với xe con khi lưu thông trên đường, không còn bị hạn chế về nhiều mặt như phân làn, đi vào giờ cấm hay không cấm trong hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ Việt Nam...
Điều này lại càng khiến xe bán tải trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Chính vì có nhiều lợi thế nên dòng xe bán tải nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Theo Tổng Cục Hải quan, nếu như năm 2010 cả nước chỉ nhập 2.600 xe thì đến năm 2016 con số này đã đạt 29.900 chiếc, tăng hơn 10 lần so với năm 2010. Còn từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước nhập về 3.900 xe bán tải, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Điều đáng chú ý, trong tổng xe nhập về Việt Nam có đến 99,6% xe được nhập khẩu từ thị trường Thái Lan. Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nếu như cả năm 2015, tổng doanh số bán hàng của xe bán tải toàn thị trường Việt Nam đạt 16.741 xe thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017 con số này lên đến 5.079 xe các loại. Lý giải về việc xe bán tải nhập khẩu về nhiều từ thị trường Thái Lan, giới chuyên doanh cho rằng, nhờ chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với dòng xe này chỉ ở mức 5%, trong khi dòng xe du lịch nhập khẩu từ ASEAN về ở mức 30%.
Ngoài ra, lệ phí trước bạ đối với dòng xe này cũng thấp nhất cũng thêm lợi thế, chỉ ở mức 2% trong khi các dòng xe du lịch ở mức từ 10-12%, tùy địa phương. Chính vậy, tính tổng thể, giá xe bán tải được giảm một cách đáng kể so với các dòng xe khác khiến người tiêu dùng trong nước đổ xô mua xe dòng xe này, qua đó dòng xe này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Việt Nam mấy năm gần đây.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc xe bán tải ở Việt Nam được "đối xử" như xe con từ 1/11/2016 nhưng lại không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xe con và lệ phí trước bạ cũng thấp hơn là điều bất hợp lý. Sự bất hợp lý trên cũng là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ khi chủ trì cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô với các bộ, ban ngành liên quan mới đây.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với dòng xe bán tải để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và mục địch sử dụng của loại xe này.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc - doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ô tô, việc Chính phủ đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe bán tải cho phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Qua tìm hiểu, ông Tuấn cho biết, dòng xe bán tải có thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 75% từ mức 40% đến 55% đang áp dụng đối với dòng xe con có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 3.0L; đồng thời nâng phí trước bạ từ 2% lên ngang bằng với dòng xe con hiện tại (10-12%). Nếu áp dụng như vậy, giá xe bán tải sẽ tăng khá mạnh, từ 30% đến 40% so với hiện tại và còn cao hơn cả thuế nhập khẩu, đồng thời sẽ tạo phản ứng cho người tiêu dùng.
Ông Tuấn cho rằng, phần lớn khách hàng sử dụng xe bán tải đều là các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nhỏ sử dụng cho mục đích vận chuyển kinh doanh hàng hóa nhỏ trong khi chưa có loại xe khác để thay thế. Do đó, cũng cần cân nhắc điều chỉnh sao cho hợp lý, có thể ở mức 30% đến 50% của mức đang áp dụng cho xe con và tối đa là 15%. Bởi dòng xe bán tải là xe kết hợp vừa chở người vừa chở hàng, lại gắn biển C, còn xe con là hàng cao cấp mang biển số khác không thể đánh đồng thuế và phí như vậy.
Hơn nữa, biển C nói chung vừa gắn cho xe tải lại vừa gắn cho xe bán tải, nhưng xe tải lại không bị đe dọa áp thuế như vậy cũng là không công bằng. Vì vậy, nhà nước có thể ra thêm biển D cho dòng xe bán tải để phân biệt xe bán tải, xe tải và xe con.
Trước thông tin xe bán tải có khả năng bị tăng thuế và phí, nhiều người đang có ý định mua xe tỏ ra lo lắng giá xe sẽ tăng theo.
Anh Thế Tuyến, ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cùng nhiều người khác chia sẻ, với việc chỉ đạo của Chính phủ vừa qua chắc chắn giá xe bán tải sẽ tăng, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Hiện nay anh cũng như một số người bạn đang gấp rút hoàn tất công nợ để có tiền mua xe sớm ngày nào hay ngày đó phục vụ cho việc đi lại và buôn bán nhỏ cho gia đình.
Trong khi đó, anh Phú Cường ở Yên Bài (Ba Vì) cũng cho hay, anh tích cóp được ít tiền định chờ đến cuối năm có thêm khoản khác đủ tiền mới mua chiếc Ford Ranger với giá hơn 700 triệu đồng. Thế nhưng, trước thông tin trên, anh đang vay mượn thêm tiền của anh em bạn bè để mua xe sớm bởi theo anh khi chính sách thuế/phí đối với xe bán tải thay đổi và có thể áp dụng như xe du lịch thì số tiền mua xe sẽ tăng thêm cả trăm triệu đồng. Nếu để chậm thêm thời gian nào có thể sẽ bị thiệt thêm thời gian đó.