Tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen về ý định điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước thuộc EU đang khiến quốc gia châu Á phản ứng mạnh.
Sự đáp trả qua lại giữa hai bên có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột địa chính trị có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.
Xe điện - nguyên nhân gây tranh cãi
Tháng Chín vừa qua, EC lên kế hoạch điều tra về khả năng ô tô điện của Trung Quốc được hưởng trợ cấp của nhà nước - yếu tố được cho có thể tác động tới sự cạnh tranh ở thị trường châu Âu. Thậm chí, Chủ tịch EC khẳng định châu Âu có thể sớm áp đặt trừng phạt đối với ô tô điện của Trung Quốc vì nước này đang hạ giá ô tô điện thông qua các khoản trợ cấp lớn của nhà nước.
Chưa dừng lại, đại diện của EC còn khẳng định tiến trình điều tra chống trợ cấp xe điện sẽ diễn ra kỹ lưỡng, công bằng, dựa trên thực tế và EC sẽ hành động dứt khoát bất cứ khi nào tìm thấy bằng chứng về sự bóp méo thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.
Theo phát hiện của EC, nhiều tổ chức nhà nước ở Trung Quốc hiện đang cung cấp các chương trình hỗ trợ rộng rãi cho hầu hết các giai đoạn trong chuỗi giá trị ô tô, từ nguyên liệu thô đến sản xuất pin và phát triển phần mềm. Điều này mang lại cho ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc một lợi thế tài chính mà theo tính toán của EC, có thể tương đương khoảng 1/5 giá bán, góp phần đáng kể trong việc nâng thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường ô tô điện châu Âu lên 8% chỉ trong vòng vài tháng. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các chuyên gia trong ngành ước tính tỷ lệ này có thể tăng lên 15% trong vài tháng tới.
Phản ứng trước quyết định trên, Trung Quốc tuyên bố “sẽ kiên định bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc đến cùng” và hối thúc EU có cái nhìn khách quan về sự phát triển của ngành xe điện Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng giá ô tô do nước này sản xuất xuất khẩu sang châu Âu cao gần gấp đôi giá xe trong nước và việc xuất khẩu xe điện Trung Quốc tăng mạnh không phải là kết quả của trợ cấp lớn từ nhà nước.
Từ lâu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tập trung phát triển ô tô điện và hiện đã có bước tiến dài, đặc biệt là về công nghệ pin. Các nhà sản xuất của Trung Quốc cũng dựa vào thị trường nội địa lớn nhất thế giới để chinh phục châu Âu - nơi có những nền kinh tế phát triển mà họ được hưởng lợi.
Chuyên gia Arnoud Willems, một đối tác thương mại quốc tế tại công ty luật Baker McKenzie, cũng thừa nhận Trung Quốc có lý trong tình huống này. Theo ông, tất cả các bên phải làm rõ quá trình này bất kể đó là các nhà xuất khẩu xe điện ở Trung Quốc hay các công ty châu Âu. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ được yêu cầu giải thích bản chất của các khoản trợ cấp. Thời hạn cuối cùng để kích hoạt mức thuế quan tối đa là 13 tháng.
Lịch sử có lặp lại?
Hồi năm 2012-2013, EU từng thúc đẩy các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc đối với các sản phẩm tấm pin Mặt Trời và thiết bị viễn thông. Tuy nhiên ở thời điểm đó, không có sự đồng thuận nào trong EC về các tấm pin Mặt Trời.
Cựu Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht đã nói rằng: “Vì vậy, cho tới khi chúng tôi sẵn sàng hành động, ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời ở châu Âu hầu như không còn gì. Các biện pháp cũng không đủ mạnh vì thiếu sự đồng thuận trong Ủy ban”. Có tới 18 nước EU đã phản đối việc áp thuế và kết cục là EU chấp nhận thua trong cuộc chiến chính họ “khơi mào”.
Khi có quyết định điều tra chống trợ cấp với xe điện Trung Quốc lần này, nhiều lãnh đạo của EU khẳng định sẽ có sự khác biệt. Trên thực tế, khi phát động cuộc chiến xe điện, EU chắc chắn hiểu rằng rủi ro lần này còn cao hơn nhiều. Ngành công nghiệp ô tô lớn nhất thế giới của châu Âu đang đứng trước thử thách lớn, khi họ “chậm chân” trong chuyển đổi xanh. Trong khi Trung Quốc đã tập trung vào xe điện từ hơn một thập niên trước, nay đang chứng tỏ ưu thế.
Mặc dù vậy, EU vẫn bắt đầu "cuộc chiến" xe điện với rất nhiều quyết tâm. Bởi đây không chỉ đơn giản là chuyện xe điện. Nếu chiến thắng, EU sẽ có thể để tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về việc giảm thâm hụt thương mại EU-Trung Quốc, vốn đã lên tới 396 tỷ euro vào năm 2022 - con số mà các chuyên gia kinh tế mô tả là mức thâm hụt thương mại cao nhất trong lịch sử.
Nguy cơ trước mắt nhất là sự trả đũa thương mại của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô của Đức đang đứng trước nguy cơ đối mặt với các biện pháp trả đũa. Hiện Volkswagen (VW) là hãng xe bán chạy nhất ở Trung Quốc, trong khi BMW và Mercedes thống trị phân khúc xe cao cấp ở thị trường 1,4 tỷ dân. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra chống trợ cấp thường mất ít nhất một năm, nghĩa là các lãnh đạo EC nhiệm kỳ tiếp theo mới là người sẽ quyết định có nên phát động cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc hay không. Sự không chắc chắn này mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ sở để đối phó hơn.
Đó là chưa kể, nếu EU áp thuế đối với ô tô điện của Trung Quốc, VW và BMW sẽ phải trả các mức thuế này khi xuất khẩu sang EU, khiến ô tô của họ thậm chí còn đắt hơn ở châu Âu. Hơn nữa, các công ty châu Âu cũng hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô của họ, không chỉ ở châu Âu. Nhà phân tích Sebastian của MERICS, cho biết: “Trong quý đầu tiên của năm nay, 40% trợ cấp nhà nước Pháp dành cho ngành ô tô đã được chi cho ô tô sản xuất tại Trung Quốc”.
Giới phân tích lo ngại rằng nếu các biện pháp trừng phạt thuế quan của EU thực sự trở thành hiện thực, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa và cáo buộc EU đã vi phạm pháp luật. Việc này sẽ diễn ra tương tự như tranh chấp giữa Airbus và Boeing, trong đó cả hai bên đều cho rằng họ đúng.
Việc EU mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp xe điện của Trung Quốc, trong khi chính EU cũng hỗ trợ ồ ạt cho ngành công nghiệp trong khối, như trường hợp của pin xe điện, là một sự mâu thuẫn.
Điều đó cho thấy EU đang thực sự ở vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan để có thể đưa ra một quyết định chuẩn xác nhất.