Quân Giải phóng tiến công tiêu diệt giặc tại Sài Gòn (1968). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong kháng chiến, Vĩnh Long với vị trí nằm trên Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A), bờ nam sông Tiên, được xem là cửa ngõ vào miền Tây với nhiều tuyến giao thông chiến lược. Chiến trường Vĩnh Long được nhận định là một trong những khâu quan trọng trong việc giải phóng cả miền Tây Nam Bộ, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược, cắt đứt hậu cứ quan trọng của chính quyền Sài Gòn, tạo ra bước ngoặt có tính chất quyết định trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Về phía địch, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xác định giữ vững chiến trường Vĩnh Long là giữ được thế phòng ngự chiến lược cho Sài Gòn, cắt giao thông và chi viện của ta. Nhận biết vị trí quan trọng này, địch đã cho xây dựng sân bay trực thăng cơ động, tập trung nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, nhiều binh đoàn chiến đấu như: Hải quân, thiết giáp, pháo binh… với gần 3.000 quân Mỹ, chư hầu và trên 21.700 binh lính chủ yếu đóng tại thị xã Vĩnh Long.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa, tại Vĩnh Long, công tác hậu cần cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được chuẩn bị tích cực về mọi mặt, trong đó có sự chuẩn bị về sức người, sức của. Tuy không nói rõ ý đồ, quy mô và thời gian tiến hành tiến công cụ thể, nhưng liên tiếp trong các năm 1965-1967, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tuyên truyền, động viên nhân dân kiên cường “bám đất, bám vườn” tăng gia sản xuất, vừa đảm bảo đời sống, vừa đóng góp lương thực nuôi quân.
Để chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch mùa khô 1967 – 1968, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, phong trào tòng quân nhập ngũ diễn ra sôi nổi. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn thanh niên đã đăng ký tòng quân. Tiêu biểu như huyện Tam Bình từng có gần 1.000 thanh niên tòng quân; huyện Vũng Liêm từng có 800 thanh niên tòng quân...
Không chỉ hăng hái tham gia lực lượng vũ trang, phục vụ chiến dịch Mậu Thân năm 1968, toàn tỉnh có trên 9.400 người tham gia phục vụ hậu cần, dân công hỏa tuyến, nuôi giấu cán bộ cách mạng… Ngoài ra, tại Vĩnh Long có 8.005 gia đình tham gia đóng góp trên 126.200 giạ lúa, gạo, 595 chỉ vàng, 1.532 xuồng, ghe máy... và rất nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ kháng chiến.
Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Văn Đặc (Sáu Đắc) ở xã Bình Phước, huyện Mang Thít, từng bán căn nhà đang ở, hiến một nửa số tiền bán nhà ủng hộ cách mạng. Gia đình ông Dương Văn Nhã (Sáu Thợ) ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, mặc dù hết gạo nhưng vẫn đi vay của hàng xóm 10 giạ lúa để đóng góp cho cách mạng. Gia đình bà Huỳnh Thị Đầm ở ấp Phước Ngươn, xã Phước Hậu (nay là Long Phước) có 5 người cùng tham gia phục vụ hậu cần cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn có sự tham gia đóng góp tích cực của đồng bào các tôn giáo trong tỉnh Vĩnh Long. Trong những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công, chùa Bửu Thanh ở phường 3, thành phố Vĩnh Long hiện nay đã trở thành “một trạm quân y tiền phương”. Sư cô Trần Thị Xuyến và sư cô Nguyễn Thị Huệ đã tổ chức vận động các tín đồ và nhân dân trong vùng đóng góp thuốc men, lương thực, đồng thời tổ chức tiếp nhận chăm sóc, cứu chữa thương binh, phối hợp tổ chức vận chuyển thương binh về vùng căn cứ an toàn.
Ở tiền tuyến tiếng súng càng nổ dồn thì ở các cụm hậu cần phía sau, công tác tập hợp, đóng góp càng hối hả, việc vận chuyển càng nhanh, bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù, dòng người cứ cuồn cuộn tiến về phía trước. Sự đóng góp nhiệt tình trong công tác hậu cần, dân công hỏa tuyến và nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ của các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 - một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, góp phần làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải "xuống thang" chiến tranh, ngừng ném bom phá hoại ở miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Góp phần làm nên thắng lợi đó, quân và dân Vĩnh Long với lòng yêu nước nồng nàn, đã bất chấp hiểm nguy, nuôi giấu cán bộ, sẵn sàng cống hiến sức người, sức của phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
50 năm đã qua, những kinh nghiệm, bài học, ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học đó là: Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể, đáp ứng được ý chí và nguyện vọng của nhân dân; xây dựng lòng tin của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vào thắng lợi của cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó. Ngoài ra, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã tạo sức lan tỏa và phát huy hiệu quả trong mọi phong trào cách mạng; tin dân, phát huy sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo của nhân dân là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi...