Lúc đó, là người lãnh đạo cuộc biểu tình, ông Morita đã chọn vị trí nguy hiểm nhất, vị trí đầu tiên của nhóm biểu tình.
Khi kể lại cho chúng tôi giây phút này, người thủ lĩnh quả cảm của nhân dân lao động thành phố Yokohama năm nào tâm sự một cách thật lòng rằng ông không thể phủ nhận ông có sợ hãi, ở vị trí biểu tình đó, chàng thanh niên Morita 37 tuổi đã đặt mạng sống của mình vào thế nguy hiểm khi thân thể của anh ngay sát chiếc xe tăng đồ sộ. Thế nhưng, cho dù nguy hiểm cận kề và kể cả đánh đổi mạng sống, với tinh thần yêu chuộng hòa bình và phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, ông đã vượt qua nỗi sợ hãi đến bám trụ đến cùng tại vị trí. Ông hiểu rằng là người lãnh đạo, ông chính là sức mạnh tinh thần để hàng trăm người khác quyết tâm sát cánh cùng ông trong cuộc biểu tình này.
Ánh mắt hiền từ của người thủ lĩnh công đoàn lấp lánh niềm vui khi nhận thấy rằng mình không đơn độc. Không chỉ hàng trăm thanh niên sát cánh bên ông, cùng ông trong suốt hơn hai ngày đêm, trong những giờ phút căng thẳng đó, ông còn nhận được sự ủng hộ của những người dân trong thành phố. Họ đã đem thức ăn, nước uống và hoa quả để tiếp sức cho những người biểu tình.
Cuối cùng, lòng quả cảm, sự kiên trì và tinh thần đoàn kết của nhân dân Yokohama đã chiến thắng. Quân đội Mỹ buộc phải hủy bỏ kế hoạch gửi năm xe quân sự đến miền Nam Việt Nam.
Cuộc biểu tình đã được lên trang nhất của nhiều tờ báo tại Nhật Bản đương thời. Nhật báo Kanagawa trong hai ngày liên tiếp 6 và 7/8/1972 đã dành gần hết trang nhất cho cuộc biểu tình này với các bài báo có tiêu đề ““Hãy cố gắng lên” nhân dân lên tiếng ủng hộ” và “Xe quân sự Mỹ phải quay về”, mô tả chi tiết cuộc biểu tình và bày tỏ sự ủng hộ người dân Yokohama.
Ông Morita, nguyên Chủ tịch Công đoàn lao động thành phố Yokohama, người đã lãnh đạo cuộc biểu tình phản đối quân đội Mỹ gửi xe quân sự sang Việt Nam. |
Trong cuộc gặp gỡ những thành viên kỳ cựu nòng cốt của Công đoàn lao động thành phố Yokohama gồm ông Morita, bà Yoshizawa Teiko và ông Motoyoshi Ryokichi, chúng tôi đã được xem những bức ảnh ghi lại những ngày tháng hoạt động sôi nổi đó. Ngắm nhìn những gương mặt rạng rỡ và đầy quyết tâm trong các bức ảnh chụp lại các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, chúng tôi không khỏi thốt lên lời cảm ơn sâu sắc nhất giành cho những con người đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ để đấu tranh cho hòa bình của đất nước Việt Nam.
Từ việc chung một mục tiêu hòa bình cho Việt Nam, từ những đóng góp không mệt mỏi cho hòa bình của nhân dân Việt Nam, ông Morita, bà Yoshizawa và ông Motoyoshi cũng như những người Nhật Bản khác đã ủng hộ Việt Nam, đã trở thành những người bạn tốt của nhân dân Việt Nam. Trong một chuyến thăm Việt Nam vào năm 1983, ông Morita đã được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và được cố Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến nhân dân Yokohama, những người đã đồng lòng với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Những chuyến thăm Việt Nam đã để lại cho ông Morita những ấn tượng sâu sắc về một Việt Nam kiên cường và bất khuất đã giành thắng lợi để thống nhất đất nước. Đối với ông, phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại thành phố Yokohama là một biểu tượng cho sự gắn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Chiến tranh đã lùi xa. Giờ đây trong thời đại hòa bình, những người như bà Yoshizawa, ông Motoyoshi vẫn tiếp tục những công việc thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Với tư cách là Chủ tịch điều hành Hội hữu nghị Việt - Nhật, ông Motoyoshi vẫn miệt mài trong công việc tổ chức những hoạt động giao lưu nhân dân, hỗ trợ những người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản.
Những người bạn Nhật Bản chân thành và nhiệt huyết như ông Morita, bà Yoshiza và ông Motoyoshi chính là cầu nối vững chắc cho sự gắn kết giữa nhân dân Nhật Bản với nhân dân Việt Nam. Đó chính là ngoại giao nhân dân, là nền tảng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản phát triển và bền vững.