70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào:

Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 2: Một thập kỷ làm trợ lý cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane

"Tôi phục vụ cách mạng Lào 43 năm, trong đó có 25 năm ở trên đất Lào và 18 năm làm công tác ở các cơ quan giúp Lào tại Hà Nội. 25 năm ở Lào, tôi có 6 năm bộ đội, 19 năm làm chuyên gia, cố vấn, trong đó có 10 năm làm trợ lý Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane"…

Chú thích ảnh
Các đồng chí trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước làm việc với chuyên gia Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Một ngày cuối tháng 10, trong căn nhà giản dị của mình, cựu chuyên gia Việt Nam tại Lào Nguyễn Văn Nghiệp đã bắt đầu những chia sẻ của ông như thế. Từ đó, dòng ký ức của người cựu chuyên gia cao cấp cứ thế ùa về, nối dài như những cống hiến và hy sinh lặng thầm của cuộc đời ông và hàng vạn người con ưu tú Việt Nam cho đất nước Lào anh em.

Mối duyên với đất nước Lào

Năm 1948, theo yêu cầu của Hoàng thân Souphanouvong, Bác Hồ giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ đại diện Trung ương Đảng, Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ, tổ chức một đơn vị quân tình nguyện sang giúp Hạ Lào. Khi đó, chàng thanh niên Nguyễn Văn Nghiệp đang theo học văn hóa tại Trường Bổ túc văn hóa của cán bộ đảng viên ở Khu 5. Đây là ngôi trường do đồng chí Phạm Văn Đồng sáng lập và là hiệu trưởng danh dự.

"Khi tôi học được năm thứ nhất thì bác Đồng đến tuyển mộ 20 cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm trong công tác đưa vào đơn vị tình nguyện đó để sang Lào. Trong số 300 học sinh, sinh viên nam nữ của trường có 50 người tình nguyện, trong đó có tôi. Nhưng khi bác Đồng chọn 20 người thì tôi không trúng vì gầy yếu lắm, 48 kg. Thế là tôi không được đi. Nhưng đến hôm chuẩn bị vào đơn vị nhận nhiệm vụ thì một trong 20 đồng chí được tuyển có mẹ ốm nặng nên đồng chí không đi, tôi xin đi thay. Từ đó tôi sang Lào, 19/8/1948".

Đơn vị của chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp cũng là đơn vị quân tình nguyện đầu tiên của Khu 5. Năm đó, ông 19 tuổi.

Khi sang Lào, đầu tiên ông Nghiệp được phân công làm công tác cơ sở, nắm tình hình. Ở trong bộ đội 6 năm, từ năm 1948 - 1954, địa bàn công tác của ông chủ yếu ở tỉnh Champasak, Hạ Lào. Sau năm 1954, bộ đội Việt Nam rút về nước, Pathet Lào rút về Sầm Nưa, nhưng tại các tỉnh cách mạng Lào vẫn bố trí một Tỉnh ủy bí mật để hoạt động. Mối duyên với đất nước triệu voi vẫn tiếp tục khi ông Nghiệp được cử ở lại để làm cố vấn cho Tỉnh ủy bí mật của tỉnh Champasak, hoạt động trong vùng đối phương kiểm soát cùng với hai đồng chí nữa.

Thời kỳ là bộ đội tình nguyện, ông Nghiệp được giao phụ trách một đơn vị, vừa đánh địch vừa làm công tác xây dựng cơ sở. Lúc đầu, ở miền núi biên giới, ông và đồng đội cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc, học tiếng thiểu số, làm công tác vận động. "Thời kỳ đó rất kham khổ, ăn uống thiếu thốn, thuốc men không có, sốt rét rừng… Chấy đầy người, rận khắp trong quần áo, mỗi lần thay quần áo chúng tôi phải nấu nước sôi đun lên để giặt’, ông Nghiệp nhớ lại.

Một năm sau, đơn vị của ông vào sâu trong đất Lào. Lúc bấy giờ không biết tiếng, không hiểu phong tục, không hiểu tình hình địa phương, lại ở vùng sau lưng địch, đơn vị của ông phải chia nhau thành các tổ, vừa học tiếng, học chữ Lào, vừa tìm hiểu phong tục tập quán, tình hình địa phương, sinh hoạt với dân để thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc), qua đó vận động nhân dân.  

Thời điểm đó, ông Nghiệp đã linh hoạt, sáng tạo ra phương thức vận động theo quy trình: "bắt mối", "xâu chuỗi", "tìm nòng cốt". "Tức là thông qua quan hệ, nói chuyện của mình với người dân, nhận thấy ai có cảm tình với cách mạng, có thể thuyết phục được thì "bắt mối" vào người đó, rồi từ người đó tìm hiểu thêm những người tiếp theo, gọi là "xâu chuỗi".

Qua chuỗi đó, lại chọn ra những người nòng cốt tốt nhất để tổ chức họ vào các tổ chức Itxala bí mật, từ đó phát triển, xây dựng đội ngũ rộng hơn, không chỉ đội ngũ, mà còn xây dựng các đoàn thể, xây dựng lực lượng dân quân du kích và chính quyền", ông Nghiệp cho biết. Từ đó, ông cùng Quân tình nguyện Việt Nam xây dựng các khu du kích, khu căn cứ, cùng ăn, cùng ở với nhân dân các bộ tộc Lào, cùng nhân dân sản xuất, đánh giặc giữ làng.

"Thời kỳ đó đói khát phải ăn củ mài, ăn sung thay cơm, sốt rét rừng rất gian khổ. Nhưng mình bám dân nên được dân tin, được bạn tin", cựu chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp nhớ lại.

Vị Tổng Bí thư với tác phong bình dị, gần dân

Những năm tháng không quên trong cuộc đời cống hiến cho cách mạng Lào của cựu chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp chính là giai đoạn ông vinh dự được làm trợ lý cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane.

Lật giở từng trang giấy đánh máy của cuốn sổ đã sờn cũ, ông Nghiệp cho biết, trong cuốn sổ ông cầm trên tay có lưu lại bản dịch Điếu văn của Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Điếu văn dài 4 - 5 trang giấy, bên cạnh bày tỏ sự tiếc thương vô hạn, Tổng Bí thư Kaysone nói về đạo đức, tác phong tư tưởng của Bác; công lao của Bác đối với cách mạng thế giới, với cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Trong đó, những nội dung đề cập tới công lao của Người đối với cách mạng Lào chiếm khoảng một nửa Điếu văn: Từ việc Bác cho ý kiến vào những vấn đề lớn của cách mạng Lào như vấn đề thành lập Đảng, thành lập lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa ,vấn đề cán bộ, đấu tranh để hòa hợp dân tộc…, đến những vấn đề sách lược, chiến lược.

Ông Nghiệp khẳng định, sinh thời, Tổng Bí thư Kaysone cực kỳ coi trọng mối quan hệ Lào - Việt, thậm chí lấy tiêu chuẩn về quan hệ hai nước là một trong những tiêu chuẩn về cán bộ đảng viên của Lào. Theo đó, cán bộ, đảng viên của Lào phải coi việc gìn giữ, phát triển quan hệ Lào - Việt là một tiêu chuẩn phấn đấu.

Trong ấn tượng của ông Nghiệp và những cựu chuyên gia Việt Nam giúp việc cho Văn phòng Trung ương Đảng Lào thời kỳ đó, Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane còn là người có tác phong quần chúng, vô cùng gần gũi với nhân dân. Đối với cán bộ cấp dưới, Tổng Bí thư rất tin cậy, thương yêu, quan tâm đến họ từ sức khỏe tới cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, Tổng Bí thư là người hết lòng vì công việc. Tuy gia đình ở Viêng Chăn cách đó 6 km nhưng chủ yếu Tổng Bí thư Kaysone đều ở trong Văn phòng Trung ương để tiện làm việc, cuối tuần cũng ít khi về nhà mà thường đi xuống cơ sở, chọn tới thăm một hợp tác xã, một đơn vị hay bản nào đó để xem tình hình nhân dân ở đấy có vấn đề gì; việc thực hiện đường lối, chính sách của Trung ương tại địa phương được thực hiện như thế nào… Những chuyến đi đó đều có chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp đi cùng. 

Đối với ông Nghiệp, tác phong quần chúng của Tổng Bí thư Kaysone còn thể hiện trong quá trình làm việc, chú ý lắng nghe ý kiến của anh em chuyên gia Việt Nam, kể cả về những vấn đề quan trọng như cán bộ, nhân sự. "Cụ sống cũng rất bình dị. Khi đi cơ sở, thăm và trò chuyện với nhân dân, được mời nước, mời trầu, cụ sẽ dùng tự nhiên, tác phong rất gần gũi quần chúng nên nhân dân rất mến". 

Tổng Bí thư Kaysone còn rất chịu khó nghiên cứu, học tập. Làm việc với các chuyên gia Việt Nam, có nội dung gì cần thiết, Tổng Bí thư đều mời đến để được nghe giới thiệu chi tiết. Khi chuẩn bị đi công tác tại Liên Xô hay những nước khác, thấy ở đâu có vấn đề cần quan tâm, Tổng Bí thư thường đề nghị với Đại sứ nước đó giúp cử cho mình các chuyên gia để giới thiệu về những vấn đề ấy…

Chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp kể: "Tổng Bí thư coi tôi như người thân cận của ông, nhưng tôi tự ý thức rằng mình không thể lợi dụng tình cảm đó để vì lợi ích riêng của mình, nên tôi hết sức tránh chuyện đó. Có những việc rất nhỏ thôi, ví dụ mỗi lần Tổng Bí thư đi công tác, đều hỏi tôi có cần gì không? Tôi đều thưa Tổng Bí thư là không có gì cần. Nhưng có lần, trước một chuyến đi Liên Xô, Tổng Bí thư nói: "Thấy cậu mùa rét mà đi lại không có áo khoác. Lần này đi Liên Xô sẽ báo anh em mua cho cậu". Tôi rất cảm động trước sự quan tâm chân tình của ông đối với một nhân viên như mình.

Sau chuyến đi đó, Tổng Bí thư Kaysone mua cho ông một chiếc áo khoác dài. "Nhưng áo dài quá, về tôi phải sửa lại, gấp gấu áo lên mặc", ông Nghiệp cười nói. Có những lần khác, Tổng Bí thư không hỏi, nhưng đi công tác về hay có chiếc áo sơ mi tặng ông, nhiều chiếc cho đến bây giờ ông Nghiệp vẫn mặc. Buổi chiều, Tổng Bí thư đi dạo trong khuôn viên Văn phòng và hay gọi ông đi cùng, vừa để bàn công việc, vừa hỏi thăm về gia đình… Mỗi năm trước khi ông và các chuyên gia Việt Nam về nghỉ Tết, hoặc mùa hè khi Tổng Bí thư đi nước ngoài, thường trước khi đi bao giờ Tổng Bí thư Kaysone cũng gọi các anh em trong Tổ chuyên gia Việt Nam vào dùng chung bữa cơm. Khi đi về, Tổng Bí thư có quà cho từng người, đối đãi như người thân.

"Thời gian tôi làm trợ lý có cả tổ thư ký, nhưng trong những chuyên gia Việt Nam thì tôi là người thạo tiếng nhất, một số anh em nữa giúp việc, người chuyên về kinh tế, người về đối ngoại..., nhưng tôi thì giúp chung tất cả các mảng trực tiếp cho Tổng Bí thư. Những anh em còn lại không thạo tiếng Lào, khi làm đều phải qua phiên dịch. Từng người cũng đi sâu vào từng lĩnh vực, còn tôi thì bao quát toàn diện tất cả các mảng", ông Nghiệp cho biết.

Trước những hội nghị quan trọng, ông Nghiệp thường được Tổng Bí thư Kaysone giao sắp xếp, hệ thống lại những vấn đề, nội dung chủ yếu, cần thiết. Khi Tổng Bí thư đi nước ngoài, chính ông cũng là người chuẩn bị cho Tổng Bí thư những thông báo tới các nước, dự kiến nội dung phóng viên nước ngoài sẽ phỏng vấn; hoặc dự kiến những vấn đề cần giải đáp tại các kỳ họp Trung ương… Mỗi khi đi thực tế tại một tỉnh, Tổng Bí thư cũng hay hỏi ý kiến đánh giá của ông về thành tích, ưu khuyết điểm của địa phương đó, cần góp ý với địa phương vấn đề gì...

Nhiều năm công tác trên đất bạn, chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp có mối quan hệ rộng rãi với các cán bộ Lào từ Trung ương tới cơ sở. Nhân dân Lào có tinh thần yêu nước, Lào còn là một dân tộc theo đạo Phật nên người dân rất có lòng nhân từ, nhân văn và chất phác. Ông Nghiệp chia sẻ, phẩm chất này có thể thấy không chỉ ở những người dân: "Họ rất chân chất, có gì nói nấy, và khi đã có niềm tin thì họ giữ niềm tin đó rất lâu, nếu mình làm mất niềm tin đó coi như xóa đi tất cả".

Không chỉ Tổng Bí thư Kaysone, ông Nghiệp nhận được sự tin tưởng của nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp thời kỳ đó như Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách về kinh tế kế hoạch… Nhiều vấn đề khi làm việc với Tổng Bí thư nhưng chưa có điều kiện hoặc thời gian làm việc, bàn bạc cặn kẽ, các cán bộ thường chủ động đến tìm và đề nghị ông trình bày, làm rõ thêm trước Tổng Bí thư. 

Ba năm cuối trong thời kỳ làm trợ lý (từ năm 1988 - 1991), ông kiêm Tổ trưởng chuyên gia giúp Văn phòng Trung ương Đảng Lào và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Lào. Quá trình ở đất bạn, ông đi khắp cả nước Lào, đặc biệt vì làm trợ lý cho Tổng Bí thư, được Tổng Bí thư rất tin cậy, coi như cán bộ của Lào nên tận khi đã có quyết định về hưu, ông vẫn được giữ lại làm việc thêm hơn một năm. Năm 1990, ông Nghiệp nhận quyết định về hưu ở trong nước, nhưng Tổng Bí thư Kaysone có yêu cầu ông ở lại một thời gian để giúp việc triển khai Nghị quyết Đại hội của bạn. Tháng 9/1991, ông mới chính thức về nước, kết thúc hơn 25 năm công tác giúp đất nước Lào anh em.

25 năm ông xa nhà là ngần ấy năm bà Lê Thị Thu, vợ ông một mình chăm lo cho gia đình, nuôi dạy hai con. Một năm ông chỉ về thăm nhà được hai lần, căn nhà ở khu tập thể 79 - 81 Lý Nam Đế vắng bóng người đàn ông, mùa mưa nước ngập, mấy mẹ con lại cùng nhau xoay sở. Song cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng Lào, ông đều được bà ủng hộ, làm hậu phương để ông vững tâm công tác.

Với những đóng góp của mình, chuyên gia Nguyễn Văn Nghiệp đã được tặng thưởng 9 Huân chương của cả Việt Nam và Lào, trong đó có những vinh dự như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động. Đặc biệt, ông còn được Nhà nước Lào trao tặng 3 Huân chương Tự do hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng của Quân đội và Huân chương Hữu nghị.

Bài 3: "Tôi đề nghị được hy sinh"

Hiền Hạnh (TTXVN)
Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 1: Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào
Những chặng đường hữu nghị và vinh quang - Bài 1: Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

Trong 7 thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc, là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển phồn vinh, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN