Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng tham dự.
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự.
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith dẫn đầu tham dự.
Cùng tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các cựu cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào; đại diện thế hệ trẻ Việt Nam-Lào.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc Diễn văn kỷ niệm nhấn mạnh, Việt Nam và Lào là hai quốc gia cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và uống chung dòng nước sông Mê Công; có nhiều nét tương đồng về lịch sử, kinh tế, văn hóa. Nhân dân hai nước đều cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm; giàu lòng nhân ái, bao dung và rất mực yêu chuộng hòa bình, tự do. Chính những điều kiện tự nhiên và xã hội ấy đã gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Lào từ rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước, trở thành tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong đó, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào là biểu tượng cao đẹp, sự gắn kết bền chặt của tình đoàn kết đặc biệt ấy.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 10 năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Ít-xa-la đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt. Để sát cánh cùng các đơn vị vũ trang yêu nước Lào chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng, từ năm 1945 đến năm 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân trên đất Lào.
Ngày 30 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Với ý nghĩa đó, ngày 30 tháng 10 năm 1949 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào.
"Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình"
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tích cực giúp nước bạn Lào, kề vai sát cánh cùng Quân đội Lào Ít-xa-la chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.
Điểm lại những mốc thời gian trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các đơn vị Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự và bộ đội Việt Nam đã cùng Quân đội và nhân dân nước bạn Lào liên tiếp mở các chiến dịch và các trận đánh lớn, nhỏ, tiến công tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường, mở rộng và giữ vững vùng giải phóng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, một trong những biểu tượng cao đẹp của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Mặc dù bị đánh phá ác liệt, nhưng nhân dân nước bạn Lào đã không hề nao núng, sẵn sàng dành một phần lãnh thổ của mình cho tuyến đường chiến lược đi qua. Nơi đây đã trở thành chiến trường phản công quyết liệt của Quân tình nguyện, bộ đội Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào giáng trả các mũi tiến công của địch, ghi lại biết bao chiến công hiển hách.
Theo yêu cầu của cách mạng Lào, từ năm 1973 đến năm 1975, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam ở lại giúp nước bạn Lào bảo vệ vùng giải phóng. Đến giữa năm 1975, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Quân tình nguyện Việt Nam đã tích cực hỗ trợ quân và dân Lào tiến hành đồng thời “ba đòn chiến lược” với mũi giáp công pháp lý, giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ở Việt Nam, với chiến thắng vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Sự nghiệp đoàn kết, liên minh chiến đấu và chiến thắng giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào là rất vẻ vang và vô cùng tự hào, là minh chứng sinh động khẳng định quan điểm, tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn Lào chiến đấu cho đến ngày toàn thắng, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng ba nước Đông Dương Việt Nam, Lào, Campuchia. Biết bao cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên đất bạn Lào.
Trở về Tổ quốc sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào và luôn dõi theo từng bước phát triển, chuyển mình của đất nước Triệu Voi tươi đẹp.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, những chiến công xuất sắc của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hôm nay, chúng ta thật xúc động mỗi khi nhắc lại lời của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam, cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Chúng ta cũng mãi mãi trân trọng và biết ơn nhân dân nước bạn Lào đã hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ, luôn coi cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam như người thân yêu, ruột thịt của mình; mãi mãi ghi nhớ công lao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã sát cánh cùng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, lập nên biết bao chiến công hiển hách".
Tiếp tục phát huy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó thủy chung
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước. Phát huy những thành tựu to lớn trong quan hệ đặc biệt và truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hai dân tộc Việt Nam - Lào, truyền thống vẻ vang của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, hai nước cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó thủy chung, lâu đời; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong đó, phải bảo đảm cho quan hệ hợp tác quốc phòng thực sự trở thành một trong những trụ cột của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Hai nước cần tập trung xây dựng quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu; đồng thời đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng; nhất là trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục truyền thống; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong xây dựng và bảo vệ tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển thịnh vượng; phối hợp tổ chức tốt các cuộc giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị, tăng cường tiếp xúc, trao đổi thông tin, kinh nghiệm để nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; chú trọng hợp tác hỗ trợ cùng khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới. Đồng thời, hai bên cần tích cực hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào để các anh hùng, liệt sỹ sớm được trở về với quê hương đất mẹ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamon Chanyalat nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn cảm động và nhận thức sâu sắc “trên mảnh đất mến yêu của mình từ Bắc chí Nam đều có những giọt máu, giọt mồ hôi của các chiến sỹ cách mạng hai nước đã hòa quyện vào nhau để đổi lấy nền độc lập dân tộc cho đất nước Lào, không có ai đếm được chính xác đã có bao nhiêu đường ngõ, ngách núi sông của mảnh đất Lào mà chiến sỹ cách mạng hai nước đã bước đi qua và đấu tranh chống kẻ thù chung”.
Đại tướng Chansamon Chanyalat khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sẽ cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em bảo vệ, gìn giữ và tiếp tục phát huy quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam – Lào mãi trường tồn, xứng với sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ cách mạng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào trong suốt thời gian qua như Chủ tịch Kayson Phomvihan đã từng nói: “núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt mãi bền vững hơn núi, hơn sông... ”.
Thay mặt cho lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, Phó trưởng Ban liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ vinh dự và tự hào khi được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao cho một trọng trách hết sức thiêng liêng, đó là thay mặt nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam sang giúp các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Lào, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc trên đất nước Triệu Voi.
Ôn lại những năm tháng sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân các đân tộc Lào chiến đấu anh dũng, kiên cường, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động nói: “Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, chúng tôi nguyện tiếp tục phát huy truyền thống của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, sống mẫu mực, đoàn kết, nghĩa tình, trung với Đảng, với Tổ quốc, hiếu với nhân dân; tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của hai nước, hai dân tộc, mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ; tiếp tục là cầu nối đưa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của hai nước, của khu vực và thế giới”.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào đã có thành tích đặc biệt xuất sắc giúp cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.