Phần 2: Chiến trường khu 4 - Tây Nguyên với Trung Hạ Lào trong kháng chiến chống Mỹ
Để thử nghiệm chiến lược mới, địch chọn Tây Nguyên để triển khai với hy vọng có thể cải thiện được tình hình mà quân Mỹ không bị tổn thất nặng. Tháng 1/1970, chúng lần lượt mở ba cuộc hành quân “Bình Tây 48, Bình Tây 49, Bình Tây 50” ra vùng Chupatay, thị xã Pleiku, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi chủ lực ta ra xa, bảo vệ các thị xã và đường 14.
Tuy nhiên, chúng đã bị Trung đoàn 24 Mặt trận B3 lần lượt đánh bại, diệt gọn một trung đoàn, đánh thiệt hại hai trung đoàn và liên đoàn biệt động, một tiểu đoàn Mỹ. Cuộc thử nghiệm mới bắt đầu đã bị thất bại nặng nề. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ngày càng bị sa lầy nghiêm trọng. Để cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ vội vàng thành lập liên minh tay ba về quân sự gồm quân ngụy miền Nam, quân ngụy Lào, quân ngụy Campuchia và kéo theo quân đội Thái Lan, phối hợp mở các cuộc tấn công quy mô lớn trên đất Lào và Campuchia, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta và bạn, uy hiếp hậu phương ba nước, buộc ta phải phân tán đối phó, giảm áp lực chiến trường miền Nam...
Tháng 1/1970, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trên cơ sở nhận định âm mưu của đế quốc Mỹ trên bán đảo Đông Dương, đã đề ra nhiệm vụ cho quân và dân miền Nam “tiếp tục tấn công địch trên các chiến trường, đồng thời ra sức phối hợp, giúp đỡ bạn nắm thời cơ đưa cách mạng Lào và Campuchia tiến lên mạnh mẽ. Đặc biệt, Trung, Hạ Lào có vị trí hiểm yếu nối lên hành lang chiến lược Bắc - Nam, phải tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đặc biệt là quân ngụy Sài Gòn, bảo vệ vùng giải phóng và các căn cứ cách mạng của bạn và ta, giúp bạn giải phóng nhiều vùng rộng lớn có ý nghĩa chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu”.
Thực hiện Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (20/4/1970), trên hướng chiến trường Hạ Lào, Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh phối hợp chặt chẽ với bạn tiến hành về phía Tây cùng bạn giành thắng lợi lớn trên chiến trường mới, tạo thế và lực cho cả ta và bạn. Để mở rộng địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên - Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, tập trung khâu yếu nhưng hiểm yếu là thị xã Attapeu, tỉnh Attapeu.
Bộ Tổng tham mưu hai nước quyết định thành lập mặt trận X với nhiệm vụ giải phóng tỉnh Attapeu và một số vùng rộng lớn cao nguyên Bolaven, tiến tới giải phóng Saravane, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. Bộ Tổng tham mưu quyết định Mặt trận B3 Tây Nguyên cử một trung đoàn mạnh sang phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng Lào thực hiện nhiệm vụ trên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Kiện, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Trung đoàn 24 được giao thực hiện nhiệm vụ đó. Là một đơn vị có truyền thống trong kháng chiến chống Pháp, có mặt sớm trên chiến trường Tây Nguyên (1965), Trung đoàn 24 vừa đánh thắng ba cuộc hành quân Bình Tây (48, 49, 50) của Mỹ - ngụy, được Bác Hồ gửi điện khen ngợi. Khí thế của cán bộ, chiến sĩ rất cao, nay lại được thay mặt lực lượng vũ trang Tây Nguyên làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, tinh thần lại càng tăng thêm. Nhiệm vụ được giao rất khẩn trương, chớp thời cơ khi quân Thái Lan chưa ồ ạt tăng viện cho quân ngụy Lào. Với tinh thần khẩn trương, cắt rừng mở đường trên một chiến trường hoàn toàn mới lạ, chỉ trong 10 ngày đơn vị đã đến được khu vực tập kết chiến đấu. Riêng bộ phận tiền trạm và chỉ huy trưởng các cấp phải đi cả ngày đêm, vượt lên trước để gặp Bộ tư lệnh chiến dịch nhận nhiệm vụ.
Tại sở chỉ huy cơ bản của mặt trận đặt ở bên cạnh quê hương đồng chí Choummaly Sayasone, nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng chí Hoàng Kiện, Tư lệnh Mặt trận X giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 24 và các tiểu đoàn Quân tình nguyện Việt Nam, công bố quyết định của Bộ Tư lệnh về thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch: Đồng chí Hoàng Kiện, Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy; đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chính ủy; đồng chí Nguyễn Quốc Thước, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 kiêm Phó tư lệnh, phụ trách chỉ huy tiền phương; đồng chí Vũ Khắc Thịnh, Chính ủy Trung đoàn 24 kiêm Phó chính ủy.
Nhiệm vụ của chiến dịch là tiêu diệt quân địch ở thị xã Attapeu, giải phóng tỉnh Attapeu và một phần cao nguyên Bolaven, phối hợp với Sư đoàn 968 tại Mặt trận Saravane, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào nối liền với Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia. Lực lượng của ta gồm Trung đoàn 24 là lực lượng chủ yếu của chiến dịch có nhiệm vụ tiêu diệt địch ở thị xã Attapeu, giải phóng thị xã và phát triển đánh chiếm mở rộng địa bàn trên cao nguyên Bolaven. Tiểu đoàn 3 Quân tình nguyện tiêu diệt cứ điểm Xekaman. Tiểu đoàn 4 đặc công đánh chiếm trận địa pháo binh trên cao điểm Phuxaphong. Đơn vị bạn làm lực lượng cơ động đánh địch tăng viện vòng ngoài và khi chúng rút chạy.
Được các đơn vị Quân tình nguyện và đội cơ sở bạn hướng dẫn, cung cấp thông tin, nên chỉ trong một thời gian ngắn, công tác chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến được hoàn thành và được Bộ tư lệnh Mặt trận đồng ý. Thị xã Attapeu ở Đông Nam Hạ Lào, nằm trong thung lũng sông Sekong và ngã ba sông Xekaman, ba bên được sống bao bọc, hướng Bắc và Tây Bắc nối liền với thị xã Sekong và cao nguyên Bolaven. Dân số trong thị xã hơn 10 nghìn người.
Về phía địch, ngoài các lực lượng phòng vệ trong thị xã, trên hướng Bắc có tiểu đoàn 4BI phòng thủ án ngữ, phía nam có một đại đội phía bờ nam Xekaman, tất cả hơn 1.000 quân do tên đại tá Khămcòng, tỉnh trưởng chỉ huy. Lực lượng địch trong thị xã được hai trận địa pháo ở Fuxaphong và Fulangkeo trên cao nguyên Bolaven hỗ trợ khi bị tấn công. Nhiệm vụ của Trung đoàn 24 là tiêu diệt tiểu đoàn 4BI, đánh chiếm sân bay Attapeu, thọc sâu tiêu diệt toàn bộ quân địch, dinh tỉnh trưởng, giải phóng thị xã, chớp thời cơ đánh chiếm các căn cứ của địch trên cao nguyên Bolaven; sau đó phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Bạn truy quét tàn binh, làm công tác dân vận, ổn định đời sống nhân dân.
Thực hiện kế hoạch, đêm 28/4, Tiểu đoàn 4, đơn vị chủ công của Trung đoàn 24 tấn công căn cứ tiểu đoàn 4BỊ địch. Sáng 29/4, sau vài giờ liên tục đánh địch, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 4BI, địch còn lại tháo chạy vào trong thị xã làm cho tình hình ở đây càng thêm hỗn loạn. Cùng lúc tấn công căn cứ 4BI, Tiểu đoàn 4 đặc công Quân tình nguyện đánh chiếm trận địa pháo tại núi Fuxaphong, đơn vị đặc công của Trung đoàn đánh chiếm trận địa pháo Phulangkeo trên đỉnh cao nguyên Bolaven.
Như vậy, mọi khả năng chi viện cho thị xã Attapeu hoàn toàn bị triệt tiêu. Trước nguy cơ thị xã Attapeu bị thất thủ, địch sử dụng máy bay bắn phá hòng uy hiếp tinh thần bộ đội ta. Quân ta vừa đánh địch dưới mặt đất vừa bắn máy bay địch. Lợi dụng địch hoảng loạn, Trung đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 6 nhanh chóng phát triển đánh chiếm sân bay, đưa lực lượng áp sát thị xã chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai. Cùng ngày, Tiểu đoàn 3 Quân tình nguyện tiêu diệt đại đội ở căn cứ nam sông Xekaman. Lúc này, thị xã đã bị bao vây chặt.
Đêm 29/4/1970, một lực lượng của Trung đoàn bắt đầu tấn công vào thị xã được chi viện tối đa của hỏa lực trận địa pháo trên đỉnh Fulangkeo và hỏa lực của các mũi tiến công thọc sâu vào thị xã làm cho quân địch rối loạn, tháo chạy cùng gia đình. Tên đại tá tỉnh trưởng trà trộn trong dân chạy thoát lên cao nguyên Bolaven. Đến trưa 30/4, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Attapeu và các vùng phụ cận. Hầu hết các đơn vị trong Trung đoàn phát triển đánh chiếm các mục tiêu trên cao nguyên Bolaven, số còn lại cả ta và bạn tiếp tục truy quét địch và vận động, ổn định đời sống nhân dân. Nhiệm vụ tiếp theo, Trung đoàn tổ chức nhiều mũi đến các bản làng vừa làm công tác địch vận, dân vận và cùng các đội cơ sở của bạn thành lập các tổ tự quản.
Sau hai ngày đêm, ta đã làm chủ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Attapeu, phát triển mở rộng vùng giải phóng Bolaven, chuẩn bị kế hoạch đánh địch phản kích hòng chiếm lại Attapeu. Cuộc chiến đấu trên cao nguyễn diễn ra rất quyết liệt, quân ta nhiều lần giành giật chiếm giữ các cao điểm để bảo vệ vùng mới giải phóng. Trong khi đang tiếp tục truy quét địch, vận động nhân dân, ngày 14/5, Trung đoàn để lại Tiểu đoàn 2 phối hợp cùng với các tiểu đoàn Quân tình nguyện và đơn vị bạn tiếp tục chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng, còn Trung đoàn (thiếu) nhanh chóng cơ động phát triển về hướng Campuchia phối hợp với các đơn vị B2 (Miền) giải phóng thị xã Siem Pang ngày 19/5, giải phóng Stungtreng ngày 20/5; sau đó độc lập phát triển giải phóng tỉnh Preivihia, giáp biên giới Thái Lan.
Trong thời gian này, lực lượng ta tại Attapeu và cao nguyên Bolaven bị dàn mỏng, địch tìm cách chiếm lại vùng đã mất, chúng huy động thêm lực lượng, bảo gồm cả quân Thái Lan, liên tục phản kích ngày đêm. Để giữ vững vùng giải phóng có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến ba nước, Bộ quyết định sử dụng lực lượng một trung đoàn của Mặt trận Tây Nguyên tăng cường cho bạn để giữ vững vùng.
Như có mối cơ duyên với chiến trường phía Tây của Tổ quốc, nơi chiến dịch Trung, Hạ Lào năm 1953 - 1954, Trung đoàn 101 của chúng tôi đã giải phóng thị xã Attapeu, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 24 của tôi lại được vinh dự nhận nhiệm vụ giải phóng Attapeu lần thứ hai (30/4/1970); và trước nguy cơ vùng mới giải phóng bị uy hiếp, tôi lại được Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao chỉ huy Trung đoàn 28 lên chi viện cho Mặt trận Attapeu. Chấp hành mệnh lệnh, Trung đoàn 28 cùng với các đơn vị Quân tình nguyện và bạn đánh thắng tất cả các cuộc phản kích của địch, giữ vững vùng giải phóng Attapeu. Tỉnh Attapeu là tỉnh đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở ba nước Đông Dương.
Tỉnh Attapeu gắn với một phần quan trọng của cao nguyên Bolaven, dù không phải là tỉnh lớn nhưng có vị thế địa - chính trị, địa - chiến lược quan trọng trong thế chiến lược của bà nước Đông Dương. Mở rộng vùng giải phóng Attapeu - cao nguyên Bolaven gắn với vùng giải phóng Stung Treng - Rattanakiri của Campuchia và cùng với căn cứ địa Tây Nguyên sẽ tạo thế vững chắc cho ba chiến trường. Giải phóng Attapeu, chiến trường miền Nam Việt Nam sẽ mở thêm một trục của tuyến đường Hồ Chí Minh từ sông Bạc xuôi theo sông Sekong và Stung Treng - Kratie - Tây Ninh để tăng cường sức mạnh chi viện cho chiến trường Nam Bộ, với cự ly rút ngắn được gần một nửa.
Với thế trận đó, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tạo nên thế và lực mới cho chiến trường Tây Nguyên tháng 3/1975 giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, từ tấn công chiến lược, ta chuyển thành tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, thúc đẩy cuộc kháng chiến ba nước giành thắng lợi trọn vẹn trong năm 1975 lịch sử. Trong đó, chiến trường Trung - Hạ Lào gắn với chiến trường Khu 4 - Tây Nguyên, đã góp phần không nhỏ trong chiến thắng chung của ba nước Đông Dương.
Với tình cảm đó, lúc tôi về làm Tư lệnh Quân khu 4, một quân khu có nhiều duyên nợ sống còn bên nhau, đồng chí Choummaly Sayasone đã nhiều lần gợi ý mời tôi và một số đồng đội cũ về thăm lại chiến trường xưa tại Attapeu - Hạ Lào, thăm lại bạn bè, bà con. Tháng 11/2008, chúng tôi mới thực hiện được ý định đó. Chuyến thăm đã để lại bao kỷ niệm sâu sắc về tình bạn chiến đấu, tình quân dân sống chết có nhau, đã tạo nên một mối tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu của hai quân đội, hai dân tộc, không chỉ cho quá khứ, hôm nay, mà còn mãi mãi mai sau.