Người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam với nghệ thuật bình dị, thấm đẫm hồn quê Tranh lụa "Chơi ô ăn quan" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. |
Các họa sĩ bậc thầy Việt Nam luôn để lại những dấu ấn cá nhân về mặt bút pháp. Nếu như Tô Ngọc Vân tài hoa, mẫu mực; Nguyễn Sáng chính xác, ngang tàng; Nguyễn Tư Nghiêm thâm trầm, khúc triết; Dương Bích Liên chắt lọc, tinh tế… thì nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh thấm đẫm hồn quê, chân phương, bình dị.
Cả cuộc đời và sáng tác của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đều mang dấu ấn vẻ đẹp con người, sâu nặng tình nghĩa quê hương đất nước. Đó chính là cội nguồn cảm hứng và sáng tạo của ông
Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, thuở bé danh họa Nguyễn Phan Chánh (bút hiệu Hồng Nam), học chữ Nho ở quê nhà, rồi vào Huế học Trường Sư phạm Đông Ba. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phan Chánh ở lại Huế dạy học. Nhưng đam mê đã thôi thúc Nguyễn Phan Chánh ra Hà Nội vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ngôi trường danh tiếng này.
Đang học năm thứ ba, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã dự thi sáng tác mẫu tem do Sở Bưu điện Đông Dương tổ chức. Ông đã nhận được giải thưởng 90 đồng (tiền Đông Dương) với con tem có tên là Ruộng lúa mà người ta thường gọi là Người đi cấy. Đây là con tem thư đầu tiên do một họa sĩ Việt Nam sáng tác và in tại Paris (Pháp), phát hành năm 1928.
Kể từ năm học thứ tư, khi ông bắt đầu vẽ màu nước trên lụa, ông đã tìm thấy một chất liệu mịn màng và thanh nhẹ, bay bổng, phù hợp với tâm hồn ông, với phong cách sáng tác của ông. Từ đó đã tạo cho ông một cảm hứng mới đi sâu vào chất liệu lụa cùng với đề tài cuộc sống của người nông dân, đặc biệt là những phụ nữ nông thôn.
Vì vậy, khi phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh dấy lên, lập chính quyền Xô Viết của những người dân cày, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp nghi vấn và gọi lên hỏi vì sao ông lại chỉ vẽ những người nông dân cơ cực? Việc này còn đeo đuổi ông mãi và ông đã không được chọn tranh trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm sau đó.
Năm 1931, những tác phẩm của lớp họa sĩ mới được đào tạo ở Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra mắt lần đầu tại Triển lãm đấu xảo ở Paris. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có các tác phẩm: “Chơi ô ăn quan” “ Em bé cho chim ăn”, “Lên đồng”, “Rửa rau cầu ao”, “Bữa cơm”, “Những người hát rong”.
Lần đầu tiên công chúng Pháp và quốc tế biết đến mỹ thuật Việt Nam và biết đến tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh. Ông được đánh giá cao như là một họa sĩ lớn, nhiều báo và tạp chí đã giới thiệu tranh ông một cách trang trọng.
Những bức tranh lụa đầu tiên đã khẳng định tài năng sáng tranh lụa của ông với một phong cách riêng đậm đà bản sắc Việt Nam. Sau cuộc tác triển lãm ở Paris, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại.
Từ đó, Nguyễn Phan Chánh chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa để phản ánh hiện thực đã khẳng định được phong cách cùng khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc.
Tài năng Nguyễn Phan Chánh thể hiện ngay trong cách nhìn. Ông nhìn bằng tâm tưởng, thấy được những điều mắt ta không thấy, hoặc thờ ơ bỏ qua: vẻ đẹp đời thường. Đó là những cảnh: Rửa rau cầu ao, Em bé chơi chim, Hai thiếu nữ đội nón thúng quai thao, Thiếu nữ chải tóc, Hái rau muống, Rửa khoai, Tối cho con bú, Đêm trăng lu, Kỳ lưng, Tắm ao…
Với bố cục thông thoáng và sự gia công tinh tế của phương Đông hợp hòa cùng sự chính xác, khoa học phương Tây, giữa diễn tả và gợi tả, Nguyễn Phan Chánh đã tẩm tâm hồn chúng ta trong hồn quê dân dã. Tranh ông mang lại sắc thái êm ả, thanh thản, bình dị, trữ tình.
Nhà văn Ba Lan Z.Kwecinska đã từng nhận xét về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh: “Xem tranh, chúng ta có cảm giác như nghệ sỹ đang tâm sự những câu chuyện của đời mình. Ông như muốn chia sẻ những khát vọng, hoài bão và tình yêu cuộc sống, con người. Mỗi bức tranh như một bài thơ. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thật êm dịu, mát mẻ. Phải có một nghị lực phi thường, một sức sống mạnh mẽ, họa sĩ mới giữ được sự bình thản, êm đềm ở một đất nước luôn có chiến tranh”. Quả là lời nhận xét đắt giá, tinh tường!
Sự thuần tính cách việt xuyên suốt gia tài hội họa của ông đã đánh thức biết bao kỷ niệm êm đềm về quê hương, xứ sở. Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã đổi thay nhiều, cả phong cách lẫn hồn người. Vì thế những bức tranh lụa Nguyễn Phan Chánh như một dấu tích tâm hồn dân tộc sẽ còn nuôi lòng nhiều thế hệ.
Bức tranh lập kỷ lục tác phẩm Việt Nam được bán với giá cao nhất trong lịch sử Tại cuộc đấu giá tranh quốc tế do Christie’s International tổ chức tại Hong Kong, Trung Quốc, năm 2013, bức tranh “Người bán gạo” (La Marchand de Riz), của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã lập kỷ lục tác phẩm Việt Nam được bán với giá cao nhất 3,03 triệu USD Hồng Kông (tương đương 8 tỉ đồng Việt Nam).
Đây được coi là tác phẩm Việt Nam được bán với giá cao nhất trong lịch sử. Jean-Francois Hubert, chuyên gia tư vấn cấp cao về nghệ thuật Việt Nam tại nhà đấu giá Christie’s nhận định “La Marchand de Riz là một tác phẩm hoàn hảo. Khung tranh được đóng bởi chuyên gia Gardin người Pháp và từng được trưng bày tại Napoli (Italy) năm 1934, chỉ 2 năm sau ngày hoàn thành”..
Với kết quả này, "Người bán gạo" lập kỷ lục tranh của nghệ sĩ Việt bán đấu giá cao nhất từ trước tới nay. Trước đó, một bức vẽ của họa sĩ Lê Phổ được bán ra với giá 2,9 triệu USD Hong Kong (7,85 tỷ đồng) tại nhà đấu giá Sotheby vào tháng 4/2012.
Bức tranh phản ánh mối tình cố hữu của người nghệ sĩ với hình tượng nghệ thuật của mình: những con người lao động bình thường. Độc đáo nhất là nhân vật chính, người bán gạo không thấy mặt, quay lưng lại với người xem và ở ngay tiền cảnh. Không phải chỉ ở thời điểm vẽ mà ngay cả bây giờ, bố cục này vẫn rất hiện đại. Trong tất cả những bức tranh đã biết của Nguyễn Phan Chánh thì “Người bán gạo” là tác phẩm duy nhất có bố cục như vậy.
Để lại cho đời khoảng 170 tác phẩm hoàn chỉnh, trong đó, có đến 1/3 được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Phan Chánh đã trở thành họa sĩ có số lượng tác phẩm được lưu giữ lớn nhất tại đây. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh còn được đem đi triển lãm nhiều nước trên thế giới như: Nga, Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Romania… được nhiều người hâm mộ và đánh giá rất cao.
Nguyễn Phan Chánh còn có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phục vụ nhân dân và đất nước. Ông từng giữ các chức vụ: Đại biểu Quốc hội khoá III, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam khoá I, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Để ghi nhớ công lao của danh họa Nguyễn Phan Chánh, người đã đem lại vinh quang đầu tiên về cho tranh lụa Việt Nam, đóng góp một vị trí xứng đáng vào lịch sử mĩ thuật Việt Nam hiện đại, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ông mất ngày 22/11/1984, tại Hà Nội.