Căn lều ọp ẹp nơi ở của gia đình ông Karp trong rừng sâu. |
Mảnh vườn bí ẩn hiện giữa lòng rừngCho tới tận ngày hôm nay, rừng Siberia vẫn là một trong số những khu vực hẻo lánh nhất thế giới. Được biết đến với tên gọi “Siberia Taiga” (trong tiếng Nga có nghĩa là rừng), khí hậu nơi đây khắc nghiệt, giá lạnh với nhiệt độ trung bình -5 độ C cộng thêm địa hình đồi núi dốc hiểm trở khiến cho việc sinh sống và di chuyển qua vùng này trở nên cực kỳ khó khăn. Cây cối um tùm, gấu và cáo đỏ lang thang ban ngày. Còn khi đêm xuống địa bàn lại thuộc về sói dữ.
Trải dài từ đông sang tây, từ Đại Tây Dương vươn qua châu lục tới Địa Trung Hải và mở rộng ra cả phía bắc về biên giới Mongolia, rừng Siberia là khu thiên nhiên hoang dã lớn nhất gần như không có người sinh sống trên thế giới.
Với diện tích rộng gần 12 triệu km vuông, điểm xuyết trong khu rừng rậm này thi thoảng mới có một vài thị trấn nhỏ với tổng cộng vài nghìn người dân sinh sống.
Năm 1978, một nhóm các nhà địa chất người Nga đã được cử đến rừng Siberia để khám phá khu vực sâu nhất, hẻo lánh nhất này. Di chuyển bằng trực thăng, từ trên cao nhìn xuống, họ phát hiện một khung cảnh bất thường – giữa khu rừng lớn xuất hiện một mảnh vườn sạch sẽ có dấu vết sự sống của loài người.
Điều này không khiến các nhà địa chất khỏi ngờ vực. Vị trí của mảnh vườn đó cách thị trấn gần nhất 241 km. Hạ cánh xuống gần mảnh vườn lạ, các nhà địa chất biết mình phải tiến sâu tiếp để điều tra. Họ chuẩn bị “quà cho những người bạn sắp được gặp mặt”, nhưng cũng không quên kiểm tra khẩu súng ngắn mang theo bên mình.
Tiếp tục đi sâu và khám phá ra nhiều dấu vết sinh sống của con người, nhóm khoa học nhìn thấy hàng cọc tiêu gỗ, cây cầu gỗ bắc qua con suối, nhiều mảnh đất trống hơn và một túp lều.
Thận trọng từ từ mở cửa lều, bước ra là một người đàn ông lớn tuổi mặc quần áo rách rưới với chùm râu dài rối bù. Mặc dù trong mắt có đôi chút sợ hãi, song người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng chào hỏi những vị khách không mời mà tới: “Vì các ông đã đi xa đến vậy, có lẽ các ông muốn vào nhà một chút”.
Khi các nhà địa chất bước vào căn lều, mọi thứ trong đó đều khiến họ kinh ngạc. Gốc gây là trụ đỡ lều, sàn nhà được trải đầy bằng vỏ khoai tây và vỏ hạt thông. Và nhìn kỹ trong ánh sáng mờ ảo, nhóm khoa học phát hiện đây là ngôi nhà của một gia đình gồm 5 người, 1 ông bố và 4 đứa con.
“Người rừng” Karp Lykov cùng con gái út Agafia được mặc quần áo ấm do các nhà địa chất mang đến. |
Gạt bỏ cơ hội hòa nhập cộng đồng“Người rừng” được phát hiện năm đó có tên Karp Lykov từng sống tại một khu sầm uất nhất ở nước Nga. Ông là thành viên của một hội giáo mang tên Old Believers. Giáo hội Old Believers luôn phải chịu sự phân biệt đối xử tại Nga trong suốt hàng nhiều thế kỷ, cho đến khi Liên bang Xô viết hình thành. Vào thời Peter Đại đế cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, những người thuộc hội Old Believers còn bị đánh thuế vì để râu mọc trên mặt.
Một ngày năm 1936, khi đang làm việc trên đồng với anh trai ở gần chỗ ở, nhìn thấy anh trai bị một lính cảnh vệ đi qua và bắn chết, Karp ngay lập tức đưa gia đình mình, lúc đó còn vợ và hai đứa con, biến sâu vào khu rừng tăm tối Siberia.
Sống trong rừng, Karp cùng vợ, bà Akulina có thêm hai người con nữa. Bốn đứa con của Karp, gồm Savin, Natalia, Dmitry và Agafia đều chỉ biết đến văn minh loài người qua lời kể của bố mẹ. Chúng được dạy viết, dạy đọc qua một quyển kinh thánh cũ của gia đình mang theo trong lúc bỏ trốn.
Cả gia đình Karp không biết một điều gì về thế giới sau năm 1936, ngay cả sự kiện Chiến tranh Thế giới thứ Hai hay Chiến tranh Lạnh.
Mỗi thành viên trong gia đình phải học cách “tự cung tự cấp” với những gì tìm sẵn trong tự nhiên. Bọn trẻ lớn lên, tự học cách sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã. Chúng học cách giết động vật lấy thịt, lấy da mà không dùng đến súng và cung tên.
Chúng đào những hố bẫy và dụ con mồi đuổi theo cho đến khi con vật mệt lử và ngã quỵ. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình lại trở nên khó khăn hơn sau khi bà Akulina qua đời vào năm 1961.
Nhận thấy rằng đối với lũ trẻ - chưa từng gặp bất kỳ người lạ mặt nào trước đó, chuyến viếng thăm của nhóm địa chất có thể gây ra nỗi ám ảnh, chấn động về mặt tâm lý, nên để làm quen dần dần, các nhà địa chất đã rời khỏi nơi ở của gia đình và dựng lên một lều trại cách đó không xa.
Dần dần, gia đình ông Karp bỏ qua nỗi sợ hãi, tò mò bước ra ngoài, tiếp cận với các nhà khoa học. Đầu tiên, họ từ chối mọi thứ mà các nhà địa chất đưa cho, gồm thức ăn, quần áo và bánh mì. Sau dần, gia đình người rừng và nhóm địa chất hình thành mối quan hệ thân thiết. Nhóm khoa học bắt đầu giải thích, kể cho họ nghe về những sự kiện xảy ra sau 1936, cho họ xem những phát minh hiện đại lúc bấy giờ như giấy bóng kính, TV… Ngược lại, gia đình ông Karp cũng chia sẻ với nhóm địa chất cách để sinh tồn trong rừng Siberia, cụ thể là cách trồng cây lấy rau lấy quả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Cứ thể, họ hợp tác, nghiên cứu ở cùng nhau trong một vài năm. Đã có nhiều lần, các nhà khoa học tìm cách thuyết phục gia đình ông Karp trở về với thế giới văn minh loài người, song họ từ chối. Thậm chí ngay cả thời điểm khó khăn nhất, mùa thu năm 1981, 3 trong số 4 người con của Karp qua đời chỉ cách nhau vài ngày vì suy thận và viêm phổi, khi được nhóm khoa học đề nghị đưa người bệnh tới bệnh viện chữa trị, gia đình nhất quyết chối từ.
Sau cái chết của ba người con, nhóm khoa học tiếp tục đến thuyết phục ông Karp lúc đó đã gần 90 tuổi với người con gái út, Agafia, chuyển tới sống cùng họ hàng trong một ngôi làng cách đó 240 km, song lần đó không đem lại kết quả. Ngày 16/2/1988, tròn đúng 27 năm sau cái chết của vợ, ông Karp đã nhắm mắt xuôi tay trong lúc ngủ, để lại một mình người con gái Agafia. Cho đến tận bây giờ, bà Agafi, ở độ tuổi 70 vẫn sống trên ngọn núi cao giữa rừng Siberia, một mình.