Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18/3 dẫn nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, ông Thôi Thiên Khải sẽ tiếp tục đảm nhận cương vị Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nhằm giúp xử lý quan hệ đầy biến động giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.
Quyết định giữ chân một nhà ngoại giao kỳ cựu ở Washington được xem là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh về điều phối căng thẳng với chính quyền Tổng thống Joe Biden, sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống cạnh tranh đối đầu Mỹ-Trung trong dài hạn.
Với 8 năm làm việc ở Washington, ông Thôi Thiên Khải hiện là nhà ngoại giao Trung Quốc có thời gian công tác dài nhất tại Mỹ. Nhiều nguồn thạo tin, trong đó có giới ngoại giao Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh không có bất kỳ kế hoạch nào về sớm thay thế ông Khải. “Ông Khải được giới lãnh đạo (Trung Quốc) đánh giá cao về khả năng giúp giảm thiểu nhìn nhận, đánh giá sai lệch giữa Mỹ và Trung Quốc, tránh xung đột giữa hai bên. Ông ấy là nhân vật không thể thay thế, ít nhất là ở giai đoạn hiện nay”, một nguồn tin cho biết.
Đại sứ Trung Quốc đã có mặt tại Anchorage, bang Alaska, tham gia thành phần đoàn Trung Quốc dự cuộc gặp ngoại giao cấp cao thể thức 2+2 với phía Mỹ. Trả lời phỏng vần truyền thông Trung Quốc trước thềm cuộc gặp, ông Thôi Thiên Khải cho biết, tuy khó đạt được bước đột phá trong trao đổi, nhưng hy vọng tiếp xúc lần này sẽ là sự khởi đầu để hai bên hướng tới một tiến trình đối thoại, giao thiệp mang tính hợp lý, xây dựng, bền vững. Theo ông, đạt được mục tiêu này không thôi cũng có thể coi cuộc gặp là thành công.
Bình luận này của Đại sứ Thôi Thiên Khải nhất quán với đánh giá trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh về chính sách của chính quyền Joe Biden với Trung Quốc – vốn vẫn đang nằm trong diện rà soát của Nhà Trắng. Giới quan sát nhận định, Bắc Kinh trong vài tuần gần đây có giảm giọng điệu đối đầu, thù địch, qua đó thể hiện thiện chí can dự với Mỹ. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không kỳ vọng Washington sẽ có dịch chuyển lớn trong đồng thuận lưỡng đảng về đối đầu, chống Bắc Kinh.
“Với Bắc Kinh, tìm ra biện pháp đối phó trước cách tiếp cận đa phương của ông Biden trong quan hệ với Trung Quốc rõ ràng khó khăn, thách thức hơn nhiều so với xử lý cuộc thập tự trinh đơn phương, đơn độc chống Trung Quốc mà cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh nhận thấy cần phải giữ lại những nhà ngoại giao kì cựu như Thôi Thiên Khải”, Gu Su, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Nam Kinh, bình luận.
Ông Khải bắt đầu nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 4/2013. Ở tuổi 68, ông đã vượt ba năm so với độ tuổi về hưu (65 tuổi) áp dụng với một quan chức cấp nội các cũng như với một vị trí đại sứ theo thông lệ. Vài năm trở lại đây, từng xuất hiện những đồn đoán cho rằng ông sẽ về hưu, nhất là sau vụ Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad bất ngờ từ chức hồi năm ngoái.
Theo Pang Zhongying, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế tại Đại học Đại dương Trung Quốc, kiến thức uyên bác về Mỹ cùng với quỹ quan hệ cá nhân sâu rộng với các quan chức, cựu quan chức và nghị sĩ Quốc hội mà ông Thôi Thiên Khải tạo dựng được có thể là một lý do chính khiến Bắc Kinh trì hoãn kế hoạch thay thế ông.
Nhiều nguồn tin khẳng định, Bắc Kinh đánh giá rất cao quan hệ cá nhân của Đại sứ Trung Quốc với giới chức cấp cao đương nhiệm Nhà Trắng mà nhiều trong số này là nhân sự kỳ cựu dưới thời Barack Obama. Ông Thôi Thiên Khải là một trong rất ít các nhà ngoại giao Trung Quốc được cả Washington và Bắc Kinh tôn trọng.
Kurt Campbell, đặc phái viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, là người từng đánh giá rất cao Đại sứ Thôi Thiên Khải. “Ông ấy là một nhà ngoại giao rất chiến lược. Ông luôn có sẵn một bản kế hoạch chò trơi, không bao giờ run sợ. Nếu Thôi Thiên Khải có bày tỏ bực tức, đó chỉ là một phần của màn diễn”, cựu Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Obama và là người cũng có mặt trong phái đoàn Mỹ ở Alaska dự đối thoại 2+2, từng nhận định về đối phương hồi năm 2013.
Đại sứ Mỹ cũng được đánh giá cao khi biết giữ khoảng cách với số quan chức ngoại giao Trung Quốc theo trường phái “chiến lang” như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhìn nhận, việc Bắc Kinh không thay thế ông Thôi Thiên Khải cũng có thể xuất phát từ một vấn đề khác đáng lo ngại hơn. Đó chính là việc xu thế già hóa của giới quan chức ngoại giao cấp cao, trong khi nguồn cán bộ trẻ, có đào tạo, trình độ cao lại thiếu hụt.