Trong cuộc đấu tranh giành giật, giữ từng mỏm đá, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, có những câu chuyện về tính nhân văn, tinh thần nhân đạo của người lính Vị Xuyên năm xưa.
Chiến sự vùng biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) là một trong những chiến sự khốc liệt nhất, kéo dài nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm xưa. Trong những trận đánh giành giật từng mỏm núi, từng điểm cao của quân và dân ta với địch trong những năm 1979, 1980, 1981 và 1984, phía địch đã duy trì cường độ bắn phá với mức độ cao, liên tục, dài ngày nhằm vào tuyến biên giới Vị Xuyên.
Đại tá Phan Lạc Hợi, từng tham gia chiến trường Tây Nam và chiến trường Vị Xuyên, hiện là Đoàn phó Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, cho biết: Thời điểm ở chiến sự Vị Xuyên, đối phương tổ chức bắn pháo vào toàn bộ tuyến biên giới phòng ngự của quân ta ở huyện Vị Xuyên (Hà Tuyên), có đợt địch bắn pháo liên tục hàng tháng trời, bắn 24/24 giờ. “Nếu xét về tương quan lực lượng thì đối phương lớn hơn ta rất nhiều lần. Thế nhưng, trước sự hy sinh của đồng đội, chúng tôi càng quyết tâm hơn trong cuộc chiến giành lại từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc” - Đại tá Phan Lạc Hợi chia sẻ.
Thắp nén hương trên Đài hương 468, Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chủ nhiệm chính trị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, trong thời gian tham gia chiến đấu tại Vị Xuyên ông mang quân hàm từ Thiếu tá rồi Trung tá và sau này, ông là Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, hiện đang nghỉ hưu và sống tại thành phố Hà Giang, cho biết: Đài hương 468 này chính là khu vực Điểm cao 468, nơi quân ta bố trí lực lượng ở đây để đánh giữ các điểm cao khác như 1509 và 772. Do khi đó tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, Sư đoàn 356 của ta đã chịu tổn thất nặng nề. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên kéo dài suốt từ tháng 2/1979 cho đến tháng 3/1989, một thập kỷ chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trên mặt trận Vị Xuyên.
Đài hương 468 tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được đặt gần điểm cao 1509 và khu vực “lò vôi thế kỷ". Khu vực được các chiến sĩ đặt tên “lò vôi thế kỷ” là nơi địch đánh phá, đạn pháo bắn vào đá nóng khiến đá trắng thành vôi. “Trước sức mạnh của quân địch, quân ta vẫn bám trụ trong mưa bom bão đạn, mỗi lần địch có ý định chiếm lấn thì quân ta đánh trả, cuối cùng đã bảo vệ được “lò vôi thế kỷ”, thuộc lãnh thổ của chúng ta” - Đại tá Nguyễn Kim Chung cho biết.
Dù chiến sự ác liệt là vậy, nhưng quân đội ta luôn chấp hành tốt chính sách nhân đạo. Đại tá Nguyễn Kim Chung kể, tại mặt trận Đông Sông Lô, trong trận chiến tại Đồi Tròn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, quân địch dùng chiến thuật biển người, tràn lên rất đông, bị thương vong nhiều. Khi họ lấy tử sĩ, các chiến sĩ của ta định bắn, nhưng đồng chí Tư lệnh mặt trận lúc đó đã ra lệnh không bắn và các chiến sỹ của ta đã chấp hành nghiêm lệnh này. “Trong chiến sự ác liệt như vậy mà những người lính của chúng ta rất bình tĩnh, đối xử với kẻ địch rất nhân văn, có thể nói đây là tinh thần nhân đạo rất cao cả của quân đội ta” - Đại tá Nguyễn Kim Chung khẳng định.
Trước khi diễn ra cuộc chiến đấu này, ngay cả trong thời gian ngừng chiến, quân và dân ta rất hòa hảo với người dân bên kia biên giới. Đại tá Phan Lạc Hợi kể: "Năm 1983, chiến sự ổn định, tôi còn ngồi bên này chiến hào nói chuyện với công nhân cao su của Trung Quốc, cách nhau 40m. Khi đó, chúng tôi phòng ngự gần cửa khẩu Thanh Thủy".
Thiếu tá Nguyến Thành Công, nguyên là Thượng úy, Đại đội phó Chính trị, Tiểu đoàn 13 pháo bắn thẳng, Sư đoàn 313, từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, hiện là Phó ban Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh Hà Giang, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 313 tỉnh Hà Giang, cho biết: "Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ngày kỉ niệm các trận chiến ở Vị Xuyên, Ban liên lạc Sư đoàn 313 cùng các đồng chí đi thăm nghĩa trang liệt sĩ và Đài hương 468, thăm hỏi các gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phát huy tình đồng đội thương yêu, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và cùng tri ân những đồng đội đã ngã xuống cho ngày hôm nay" - Thiếu tá Nguyến Thành Công cho biết.
Ngày nay, những người lính Vị Xuyên năm xưa vẫn mang trong mình phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, cùng giúp đỡ nhau trong công tác, lao động sản xuất để phát triển kinh tế; giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội.