Hòa chung với không khí sôi nổi của “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” đang diễn ra tại hai nước, Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã chuẩn bị nhiều chương trình thiết thực, trong đó có kế hoạch cử đoàn đại biểu của Tổng hội, do ông Trần Hanh, Phó Chủ tịch Tổng hội dẫn đầu, về nước dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và thăm hang Pác Bó để tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tổng hội người Việt Nam tại Lào nhân chuyến thăm chính thức CHDCND Lào tháng 6/2011. |
Sống xa quê hương nhưng bà con Việt kiều Lào luôn khắc sâu hình ảnh Tổ quốc và lời dạy của Bác. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thấm nhuần lời dạy “giúp bạn là tự giúp mình” của Bác Hồ, con em Việt kiều đã sát cánh cùng nhân dân Lào tại nhiều mặt trận như Thà Khẹc (Khăm Muộn), Viêng Chăn… để đánh đuổi quân thù. Nhiều liệt sĩ Việt kiều đã ngã xuống, để lại niềm tiếc thương cho người dân nước bạn. Trong chiến tranh chống Mỹ, bà con Việt kiều ở Xiêng Khoảng - Hủa Phăn, Bolikhamxay, Khăm Muộn… đã gia nhập bộ đội Pha thết Lào, tham gia dân công hỏa tuyến, cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Lào giải phóng đất nước.
Điều đáng quý là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Việt kiều Lào vẫn luôn một lòng hướng về Tổ quốc, cho dù đã trên 100 năm, trải qua nhiều thế hệ sống xa quê hương.
Việt kiều tại Lào thi nấu cỗ truyền thống. |
Gia đình ông Phạm Văn A, sang Lào lập nghiệp từ những năm 1930, đến nay đã là thế hệ thứ 5. Đại gia đình ông hiện có trên 70 thành viên, đang sinh sống ở Viêng Chăn và vẫn giữ nguyên phong tục tập quán của người Việt. Từng gia đình nhỏ trong đại gia đình đều có bàn thờ tổ tiên. Ngày lễ Tết, anh em quần tụ, tổ chức làm cơm cúng ông, bà. Nhìn mâm cỗ cúng gia tiên với đầy đủ món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, nem rán, xôi vò, canh măng…, chúng tôi thầm nghĩ, nếu không có một tấm lòng luôn hướng về cội nguồn thì khó có thể có nếp sinh hoạt đậm chất Việt như vậy.
Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Nương đã có 5 thế hệ sống tại Lào nhưng con cháu đều sử dụng tiếng Việt thành thạo. Việc thờ cúng tổ tiên cũng như các phong tục tập quán Việt đều được gia đình rất coi trọng. Khách sạn, nhà hàng của gia đình bà cũng được đặt tên là Hương Việt để gợi nhớ quê nhà.
Lãnh đạo Tổng hội người Việt Nam tại Lào thăm trường Việt kiều tại tỉnh Khăm Muộn. |
Bà con người Việt ở Lào rất có ý thức bảo tồn ngôn ngữ Việt. Tất cả 11 chi hội người Việt ở Lào đều tổ chức học văn hóa tiếng Việt cho con em Việt kiều. Những ngày công tác tại tỉnh Xiêng Khoảng, tôi thực sự xúc động khi được dự lớp dạy tiếng Việt cho các cháu nhỏ. Trên đất khách quê người đầy nắng và gió mùa hè, nghe các em bi bô tiếng Việt, ai cũng thấy tự hào. Tâm hồn, bản sắc Việt được hun đúc từ những lớp học đơn sơ này.
Bên cạnh dạy chữ, vấn đề giữ gìn phong tục tập quán cũng được bà con coi trọng. Bà con tự nguyện đóng góp để xây dựng nhiều ngôi chùa Việt nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa Việt trên đất khách quê người, giúp bà con Phật tử nói riêng và bà con trong cộng đồng người Việt nói chung có thêm một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, đặc biệt giúp thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn.
Từ ngày có Tổng hội - mái nhà chung của bà con Việt kiều, phong trào hướng về cội nguồn ngày càng phát triển, trở thành cầu nối vững chắc trong quan hệ Việt - Lào. Bà con trong cộng đồng, đặc biệt bà con trong Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng, Thành hội Viêng Chăn đã tích cực tham gia đón tiếp các đoàn, giao lưu văn hóa, thể thao nhân các ngày lễ lớn của hai đất nước. Bà con cũng rất nhiệt tình hưởng ứng các phong trào trong nước phát động, nhất là việc ủng hộ người dân các vùng bị thiên tai.
Có thể thấy, người Việt ở Lào nguyện làm theo lời Bác dạy, luôn hướng về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết cùng nhau xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh, góp phần vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Bài và ảnh: Hoàng Chương(P/v TTXVN tại Lào)