Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong không khí trang nghiêm và tự hào, trên 200 thành viên Hội Tân Trào, các cựu chiến binh Việt Nam tại Đức, trong đó có cả những cựu chiến binh từ Việt Nam bay sang, cùng nhiều bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại CHLB Đức, đã cùng làm lễ chào cờ và mặc niệm. Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, Thượng tọa Thích Pháp Nhẫn, trụ trì chùa Phổ Đà tại Berlin, cùng các Đại đức, tăng ni, Phật tử từ các chùa Phúc Lâm, Tuệ Quang, Đồng Tâm đã tiến hành Lễ cầu siêu theo đúng nghi lễ nhà Phật. Danh tính những anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được xướng tụng trong hương khói và lòng thành tâm của mọi người.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định dân tộc Việt Nam không bao giờ quên những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh - những người đã góp phần viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc. Đây là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của một dân tộc anh hùng. Đại sứ bày tỏ xúc động khi được tham dự lễ tưởng niệm trang nghiêm do Hội Tân trào tổ chức. Hoạt động này mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn chân thành đối với những người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần máu xương cho độc lập, tự do Tổ quốc.
Đại sứ Vũ Quang Minh cũng đánh giá cao hoạt động của Hội Tân Trào tại Đức. Hội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, là nơi gắn kết những người lính năm xưa, tổ chức các hoạt động ý nghĩa và luôn hướng về quê hương đất nước. Đại sứ mong muốn Hội tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu trong cộng đồng, góp phần giáo dục các thế hệ con cháu gìn giữ truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, có nhiều đóng góp hơn nữa cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước, cũng như thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Đức ngày càng phát triển.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân Trào nhấn mạnh những công lao, đóng góp to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn cùng sự thấu hiểu sâu sắc giá trị của những hy sinh, cống hiến đó, những người lính năm xưa thể hiện lòng biết ơn vô hạn và sự tri ân sâu sắc trước các bậc cách mạng tiền bối, các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cùng đồng bào đã ngã xuống. Đây cũng là dịp để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần kiên trung, anh hùng bất khuất của cha ông; đồng thời thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh.
Ông Lê Hồng Cường cho rằng, việc tổ chức Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm của toàn dân, dù ở trong nước hay nước ngoài là thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Kết thúc chương trình mít tinh kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Lễ cầu siêu là chương trình ca nhạc của bà con cộng đồng. Tất cả bài ca, điệu múa đều ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi công lao những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho non sông toàn vẹn, cho hạnh phúc của mọi nhà.